Bộ đội Cụ Hồ - Giá trị văn hóa quân sự Việt Nam không thế lực nào có thể xuyên tạc
Trải qua gần 77 năm xây dựng, chiến đấu và trường thành, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước Việt Nam, thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của Quân đội ta. Nét đặc trưng, nổi trội của giá trị văn hóa quân sự “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện tập trung ở: sự tận trung với Đảng, với nước; tận hiếu với dân; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cùng đánh thắng. Giá trị văn hóa quân sự đó không chỉ tỏa sáng trong những năm tháng chiến tranh giải phóng dân tộc, mà còn được cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta tiếp tục gìn giữ, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại đội Bộ binh huyện Tân Hưng đỡ đầu học sinh ở Lớp học tình thương
Những năm gần đây, với âm mưu thúc đẩy “phi chính trị hóa" Quân đội ta, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách hòng làm lu mờ, phai nhạt, đi đến phủ nhận giá trị văn hóa quân sự độc đáo này. Chúng dùng mọi thủ đoạn để xuyên tạc bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội; kêu gọi Quân đội đứng ngoài chính trị... Lợi dụng những khuyết điểm của một vài quân nhân, cơ quan, đơn vị đơn lẻ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là những khuyết điểm trong quá trình tham gia phát triển kinh tế, quản lý đất quốc phòng, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội... để xuyên tạc làm sai lệch bản chất của quân đội. Bên cạnh đó, chúng còn âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Qua đó, làm phai nhạt phẩm chất đạo đức, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của người quân nhân cách mạng. Các thủ đoạn đó thật nham hiểm và đều nhằm mục tiêu làm biến chất Quân đội nhân dân Việt Nam, hạ thấp uy tín của Quân đội ta trong xã hội, xóa bỏ biểu tượng “Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng nhân dân; chia rẽ Quân đội với Đảng, với nhân dân.
Thực tiễn hoạt động thực hiện các chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm qua đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc nói trên và chứng minh một sự thật hiển nhiên là: Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy, lực lượng chiến đấu sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ giữ gìn phát huy và tỏa sáng trên mọi hoạt động.
Với chức năng đội quân chiến đấu, Quân đội đã chủ động phối hợp cùng các lực lượng khác tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự trong tình hình mới; đề ra đối sách phù hợp, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và an toàn của nhân dân. Hiện nay, để chống lại các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào lãnh thổ quốc gia, cán bộ, chiến sĩ quân đội vẫn đang ngày đêm chắc tay súng trên khắp tuyến biên giới ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, phòng chống buôn lậu… Nhiều chiến sĩ có người thân qua đời nhưng vẫn nén nỗi đau thương, mất mát để ở lại cùng đồng đội chống dịch. Sự tiếp nối truyền thống “vì nhân dân quên mình” của Quân đội ta đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở thời kỳ mới.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, toàn quân thường xuyên đẩy mạnh công tác dân vận với nhiều nội dung, hình thức da dạng và phong phú; chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Các đơn vị quân đội đã giúp đỡ nhân dân xây dựng nông thôn mới, tặng nhà tình nghĩa; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Ngoài ra, Quân đội còn tích cực, chủ động tham gia duy trì, bảo tồn và phát triển bền vững các tộc người, dân tộc rất ít người, như: tộc người thiểu số Đan Lai ở Nghệ An; dân tộc La Hủ ở Lai Châu; dân tộc Chứt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh... Cùng với đó, các đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục; tham mưu xây dựng nhiều mô hình phát triển văn hóa, điểm sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp với điều kiện địa lý, tình hình kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc.
Với quan điểm tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, những năm qua, Quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Cuối năm 2020, miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Tại thủy điện Rào Trăng 3, Thừa Thiên Huế bị sạt lỡ, vùi lấp người và phương tiện. Nhận được tin báo, cán bộ chiến sĩ Quân khu 4 đã không quản ngày đêm dầm mình trong mưa lũ đi cứu nhân dân gặp nạn. Để rồi, 13 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình tham gia giải cứu các nạn nhận. Không quản hiểm nguy cứu tính mạng và tài sản của nhân dân, quân đội đã để lại trong lòng nhân dân nhiều tình cảm tốt đẹp.
Thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất trong thời kỳ đổi mới, ngoài các hoạt động tăng gia, sản xuất tại doanh trại ở các đơn vị thường trực để cải thiện đời sống bộ đội, các doanh nghiệp Quân đội (ngoài nhiệm vụ duy trì sản xuất sản phẩm quốc phòng đáp ứng nhu cầu thường xuyên, được phép sản xuất thêm mặt hàng kinh tế) đã góp phần vào xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân. Nhiều doanh nghiệp Quân đội đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, có đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của đất nước, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty 36... Các đoàn kinh tế - quốc phòng đứng chân ở những vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, ngoài nhiệm vụ giúp nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, còn trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên những địa bàn chiến lược, trọng điểm. Những hoạt động đó đã tô thắm thêm và tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân trong điều kiện mới.
Danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” là tài sản văn hóa tinh thần vô giá mà nhân dân yêu mến, trao tặng, gửi gắm niềm tin yêu, sự ngưỡng mộ dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch đối với giá trị văn hóa quân sự độc đáo này, cần có sự chung tay, góp sức của toàn Đảng, toàn dân, mà trước hết là vinh dự, trách nhiệm của mỗi quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tin khác
- Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của Việt Nam
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới