Tác động của mạng truyền thông xã hội đối với an ninh, chính trị đất nước
Nhìn lại lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy một số cuộc cách mạng sắc màu có sự tác động của mạng truyền thông xã hội. Điển hình như cuộc “cách mạng nhung ở Nam Tư” năm 2000, chưa đầy một năm, sau cuộc tiến công hỏa lực đường không của Mỹ và NaTo, Nam Tư tiến hành cuộc bầu cử tổng thống. Theo kết quả vòng một, hai ứng cử viên là đương kim tổng thống Slobodan Milosevic và thủ lĩnh đảng đối lập đều không giành được đa số phiếu theo luật định để giành thắng lợi trực tiếp, mà phải tiến hành bầu cử vòng 2. Ngay lập tức, Phe đối lập đã tuyên bố có gian lận trong kết quả bầu cử, bác bỏ yêu cầu bầu cử vòng 2; tiếp theo là sự vào cuộc của truyền thông kêu gọi dân chúng hưởng ứng chiến dịch “bất tuân lệnh” trên toàn quốc, đòi ông Milosevic từ chức, trao lại quyền điều hành đất nước. Ngày 5-10-2000, phe đối lập đã tràn vào tòa nhà Quốc hội, Đài phát thanh truyền hình và ông Côxtunica tuyên bố mình là tổng thống Liên bang. Ngày 6-10, Tòa án Hiến pháp Nam Tư tuyên bố thủ lĩnh đảng đối lập Côxtunica thắng cử và trở thành tổng thống mà không cần bầu cử vòng 2.
Cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Grudia năm 2003 cũng là một kịch bản tương tự như ở Nam Tư xảy ra. Tháng 11-2003, Grudia tiến hành bầu cử Quốc hội. Kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy, Đảng của ông Eduard Shevardnadze và những người ủng hộ ông đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, Đảng đối lập ở Grudia và chính phủ các nước phương Tây tuyên bố có gian lận trong kết quả bầu cử. Trên các phương tiện truyền thông, các luận điệu tuyên truyền, kích động đòi ông Shevardnadze từ chức và tiến hành cuộc bỏ phiếu lại nở rộ của các thế lực đối địch. Một ngày sau khi quốc hội họp khóa mới đầu tiên, tổng thống Shevardnadze buộc phải đọc đơn từ chức.
Qua cuộc “cách mạng nhung” ở Nam Tư và “cách mạng hoa hồng” ở Grudia cho ta thấy, không gian mạng có ảnh hưởng lớn trong việc truyền tải thông tin, định hướng dư luận; tác động mạnh tới tư tưởng nhận thức, quan điểm của người dùng mạng xã hội trong mọi vấn đề đời sống xã hội. Các nguy cơ mất an toàn thông tin, sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm mục đích “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, chiến tranh mạng… ngày càng hiện hữu và là thách thức lớn mà các cơ quan an ninh đang phải đối mặt.
Đối với Việt Nam, việc lợi dụng các phương tiện truyền thông đặc biệt là mạng xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước ta đã được các đối tượng triệt để thực hiện. Thông qua, mạng xã hội youtobe, facebook, chúng tung ra nhiều video, bài viết xuyên tạc về thành quả cách mạng, về sự phát triển kinh tế, chính trị xã hội của đất nước. Chúng lợi dụng các vụ việc có ảnh hướng lớn tác động đến đời sống xã hội để kích động người dân thiếu hiểu biết tổ chức biểu tình, chống phá.
Sự việc Trung Quốc hạ đạt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam năm 2014 là một minh chứng. Lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, thông qua các phương tiện truyền thông, các tổ chức chống đối, thù địch đã thành lập những nhóm kín kêu gọi người dân đứng lên biểu tình phản đối. Từ lời kêu gọi mỹ miều trên không gian mạng đã tạo nên một hiệu ứng yêu nước mù quáng, nhiều người dân nghe theo kẻ xấu tụ tập biểu tình, rồi kích động đập phá các nhà máy, xí nghiệp của Trung Quốc và một số nước tạo nên sự bất ổn chính trị, xã hội ở một số nơi. Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, chúng còn tuyên truyền cho nhau cách thức đối phó chống lại các lực lượng chức năng…
Nguy hiểm hơn, trong các sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc, nhất là khi chúng ta tiến hành đại hội Đảng các cấp, các thế lực thù địch càng ráo riết lợi dụng phương tiện truyền thông, báo chí ở nước ngoài, nhất là các trang mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc làm giảm uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội thông qua những cái gọi là “tài liệu nhạy cảm”. Chúng khai thác, cắt xén, nhào nặn những thông tin sai sự thật, khó kiểm chứng, thật giả lẫn lộn, dễ gây hoài nghi, tò mò trong dư luận. Không những thế, chúng còn tuyên truyền, lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn dưới danh nghĩa các “nhà dân chủ” để tập hợp lực lượng, hòng dựng “ngọn cờ”, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blog cá nhân; lợi dụng phản biện xã hội để chống Đảng, chế độ, phủ nhận thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước. Đặc biệt, chúng lợi dụng một số đối tượng, trong đó có cả những người đã từng hoạt động trong cơ quan báo chí viết bài tung lên mạng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trước những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc lợi dụng truyền thông chống phá cách mạng nước ta, hệ thống báo chí Việt Nam phải phát huy tốt vai trò tiên phong trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền đối nội, đối ngoại; luôn giữ vững định hướng chính trị, kịp thời đấu tranh với những thông tin sai trái, xuyên tạc, phủ nhận truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, điều hành của chính quyền các cấp cùng thành tựu sự nghiệp đổi mới đất nước mấy chục năm qua. Các tờ báo, tạp chí cần mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình”, làm rõ bản chất, vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực báo chí, truyền thông. Các bài viết cần tiếp cận khoa học, toàn diện, sâu sắc vấn đề, cùng những bài viết ngắn, cập nhật thời sự, mang hơi thở thực tiễn, tạo nên bức tranh tổng thể trên báo chí, phản ánh trung thực mọi mặt của đời sống xã hội. Đó chính là vũ khí sắc bén đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để chống Đảng, chế độ. Thông qua công tác tuyên truyền của báo chí, giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, không bị kích động, xúi dục, lôi kéo vào những mưu đồ đen tối của chúng; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc ta, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, không thể xem nhẹ công tác truyên truyền, giáo dục, giác ngộ, nâng cao nhận thức của người dân trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; đảm bảo cho họ phân biệt được đúng, sai; sàng lọc, tiếp nhận thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc, không tin, không cổ súy, lan truyền những thông tin xấu, có hại cho Đảng, cho đất nước. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông tin chính thống, định hướng dư luận; khắc phục hiện tượng thương mại hóa hoạt động báo chí, đưa thông tin theo kiểu giật gân, câu khách, vô tình tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Mặt khác, phải giám sát, bảo đảm an ninh mạng, làm tốt công tác bảo vệ tài liệu mật, không để kẻ địch thu thập, xuyên tạc, tuyên truyền chống Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta, dân tộc ta.
Tin khác
- Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của Việt Nam
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới