Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ để xây dựng Đảng
Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung và dân chủ luôn thống nhất với nhau, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ đi đôi với tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của tập trung, tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát huy. Dân chủ càng được đề cao thì tập trung càng vững chắc, sức mạnh đoàn kết của Đảng càng được khẳng định. Nếu thực hành dân chủ tốt, sẽ phát huy được trí tuệ, tiềm năng, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mọi đảng viên, tổ chức đảng, tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng. Bởi vậy, trong tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, phải thực hiện sự thống nhất chặt chẽ dân chủ với tập trung, không được tuyệt đối hóa hay coi nhẹ mặt nào. Nếu tuyệt đối hóa tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, vô tổ chức, vô kỷ luật. Cả hai biểu hiện trên đều không đúng và làm giảm sức mạnh của Đảng.
Thực tiễn lịch sử hơn 8 thập kỷ xây dựng, phát triển và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt từ khi giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã chứng minh: Ở đâu và khi nào, nguyên tắc tập trung dân chủ được cấp ủy, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên nhận thức, thực hiện một cách đầy đủ, tuân thủ nghiêm túc, thì ở đó, khi đó, dân chủ được mở rộng, tập trung càng vững chắc, sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng càng được khẳng định và ngược lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động, vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức chưa đúng về bản chất, vai trò của tắc tập trung dân chủ nên có biểu hiện xem nhẹ nguyên tắc này. “Ở một số tổ chức đảng, vẫn có tình trạng một số cấp ủy viên viên chưa nhân thức đầy đủ tầm quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thật sự tôn trọng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc. Còn tình trạng dân chủ hình thức thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi”. Cũng có những biểu hiện vi phạm, xa rời nguyên tắc không phải do nhận thức, mà chủ yếu là do cố tỉnh thực hiện sai, biết sai vẫn cứ làm, hoặc ngụy biện cho những vi phạm, sai lầm của mình. Trong những năm qua, một số tổ chức Đảng được Ủy ban kiểm tra Trung ương xác định là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ bị xử lý kỷ luật. Bài học xương máu từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản các nước Đông Âu vào những năm cuối của thế kỷ XX đến nay vẫn còn nóng hổi, cần tiếp tục được nghiên cứu, rút ra làm bài học kinh nghiệm trong tình hình hiện nay.
Vì vậy, để phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn Đảng, của tất cả các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên với quyết tâm chính trị cao, bằng nhiều giải pháp toàn diện và đồng bộ.
Thứ nhất phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về bản chất, nội dung yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, các cấp ủy, tổ chức đảng cần rà soát lại các quy định, quy chế, tìm ra những điểm bất hợp lý, không còn phù hợp trong thực hiện nguyên tắc để bổ sung, hoàn thiện, giúp cho việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ được thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong nhận thức và hoạt động.
Thứ hai, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt cấp ủy và chi bộ, coi trọng việc quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ đạt kết quả cao khi nó gắn với nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Hai nguyên tắc này phải cùng được tiến hành mọi nơi, mọi lúc trong toàn Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phòng, chống tình trạng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Để làm tốt điều đó, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, tạo không khí dân chủ, môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên thể hiện quan điểm của mình về những vấn đề đang thảo luận; việc kết luận phải khách quan, toàn diện, đúng với xu hướng phát triển của tình hình, nhiệm vụ và biểu quyết thông qua theo đa số.
Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Đây là công việc rất khó khăn, song nhất thiết phải thực hiện tốt. Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải được định danh, định tính, định lượng cụ thể. Người kiểm tra, giám sát phải nắm vững bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ, mẫu mực về phẩm chất, trình độ chuyên môn, trong sáng, chí công vô tư và có bản lĩnh chính trị vững vàng. Mục đích kiểm tra không chỉ để phát hiện những vi phạm và sai lầm, mà quan trọng hơn là phòng ngừa, uốn nắn những lệch lạc, chấn chỉnh những biểu hiện sai trái, giúp thực hiện và phát huy tốt hơn tác dụng của nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ tư, đề cao vai trò của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong giữ vững và phòng, chống tình trạng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Làm rõ trách nhiệm cá nhân cán bộ chủ chốt phải gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình. Đề cao trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng. Đảng viên giữ chức vụ càng cao thì yêu cầu gương mẫu trong tuân thủ và phòng, chống tình trạng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ càng lớn.
Hiện nay, toàn Đảng đang triển khai thực hiện kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựn chỉnh đốn Đảng với quyết tâm chính trị rất cao. Bởi vậy, việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và phòng chống có hiệu quả những biểu hiện xa rời nguyên tắc này sẽ góp phần quan trọng đảm bảo cho Nghị quyết đi vào cuộc sống, thiết thực xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước và xã hội./.
Văn Cường
Tin khác
- Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của Việt Nam
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới