Chớ nên “Mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật”

27/09/2024 09:47
Màu chữ Cỡ chữ
Chế giễu những người ba phải, dân gian thường có câu “Mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật”. Thái độ ba phải cũng được nhận diện tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên (CBĐV). Đảng ta đã sớm nhận diện được sự nguy hiểm, “điểm nghẽn” cản trở tập thể phát triển từ thái độ ba phải nên quyết tâm phòng ngừa, “chữa trị” bằng những nghị quyết, tinh thần chỉ đạo chặt chẽ, xác đáng.

Cản trở sự phát triển

Ba phải là thái độ thiếu quyết đoán, bên nào cũng cho là đúng, thế nào cũng được mà không có chính kiến. Những người có thái độ ba phải được ví như “bọn thứ ba”. Sinh thời, Bác Hồ từng chỉ rõ: “Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”.

Những người ba phải thường “gió chiều nào theo chiều ấy”. Trong một cuộc họp, ông A. nói có lý và chị B. phát biểu cũng dễ nghe. Rồi trong một hội nghị khác, người C. phản biện ý kiến của ông A, chị B. thì người ba phải lại tiếp tục thấy người C. có vẻ “thấu tình, đạt lý”. Nghĩa là, kẻ ba phải không có lập trường, chính kiến, quan điểm rõ ràng nên rất dễ “đi hai hàng” trong lời nói, hành động.

Một kiểu ba phải khác là những người được ví “ngậm miệng ăn tiền”, “im lặng là vàng”. Những người này đôi khi có năng lực, khả năng nhìn nhận, đánh giá sự việc nhưng họ không lên tiếng để giữ mình trong vùng an toàn. Họ bàng quang, thờ ơ với “thời cuộc”, “dĩ hòa vi quý”, “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Bởi, họ sợ khi lên tiếng, mạnh dạn góp ý đúng, sai sẽ “đụng trúng ông này, chạm phải bà kia”. Cũng có dạng ba phải là để “giữ ghế”, sợ va chạm sẽ mất “phiếu bầu”.

Kiểu CBĐV ba phải nếu có ở trong cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng nào đó sẽ gây tổn hại đến sức mạnh của cả một tập thể. Người ba phải nếu rơi vào người đứng đầu thì cơ quan, tổ chức đó dễ mất đoàn kết, chất lượng công việc thấp, làm cản trở ý chí phấn đấu, nỗ lực sáng tạo, tiến thủ của cấp dưới. 

Mặt khác, ba phải sẽ dẫn đến những hành động, việc làm để nhằm mục đích nịnh bợ, lấy lòng, từ đó dễ xảy ra vi phạm, sai sót. Ba phải còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh giáo điều, làm một cách máy móc, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Ba phải chính là “điểm nghẽn”, “rào cản” làm cản trở, gây hại cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng, hình thành chủ nghĩa cá nhân, đoàn kết xuôi chiều. 

Thái độ ba phải với những biểu hiện như trên được Đảng ta nhận diện qua một số biểu hiện trong 27 biểu hiện theo Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đó là những biểu hiện: Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng hay cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình;...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) cũng chỉ rõ nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái này trước hết là do bản thân CBĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi; không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân;...

Cần nêu cao trách nhiệm

Để thái độ ba phải không “di căn” thành những căn bệnh trầm kha hơn, trước hết, CBĐV phải phát huy tinh thần “6 dám” như nội dung nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đây như một “cú hích”, động lực vực dậy tinh thần cống hiến của CBĐV vì lợi ích tập thể, loại dần thái độ ba phải, tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, dĩ hòa vi quý. Đặc biệt, CBĐV phải thực hiện thật nghiêm túc tự phê bình và phê bình - một trong những nguyên tắc sinh hoạt của Đảng nhằm kịp thời “bắt bệnh” và “chữa bệnh”, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.

Ngoài ra, Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp nêu rõ: Mỗi CBĐV Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo.

CBĐV trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm.

“Bệnh” ba phải tồn tại mà không được chẩn trị kịp thời sẽ dễ biến chứng, lây lan, làm tha hóa CBĐV, cản trở sự đột phá, đổi mới của tập thể. Chữa tận gốc “bệnh” này cần bắt đầu từ cả hai phía - cấp trên và cấp dưới. 

Để khuyến khích tinh thần dám nói, dám làm của CBĐV, những người “cầm cân nẩy mực” ở một tập thể phải thật sự nêu gương, tạo những diễn đàn dân chủ để các cá nhân được thoải mái góp ý, trình bày tâm tư, nguyện vọng. Ý kiến nào phù hợp thì lắng nghe một cách cầu thị, tránh kiểu bảo thủ, không nghe ai cả, cái gì mình cũng đúng, cũng hay. Người đứng đầu, lãnh đạo tạo môi trường làm việc dân chủ, công bằng để tất cả đều vì lợi ích chung. Người đứng đầu phải thật sự là trung tâm đoàn kết, truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực để cấp dưới có thêm động lực cống hiến.

Còn cán bộ cấp dưới cần phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chấp hành nghiêm các nội quy, quy chế, nêu cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm để đạt được hiệu suất, hiệu quả công việc cao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển toàn diện. Trong công việc, tuyệt đối không “theo gió bẻ buồm”, không có khí khái và “mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật”./.

An Nam

Liên kết website