CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ CÁCH ỨNG XỬ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG XÃ HỘI

31/03/2021 11:45
Màu chữ Cỡ chữ
Trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, rất nhiều người không chỉ sống trong cuộc đời thực, mà còn “sống” trên môi trường mạng xã hội. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn!

Sự phát triển nhanh chóng của internet đã tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị; bên cạnh những thúc đẩy tích cực thì cùng với nó, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội cũng có không ít hạn chế, thách thức. Một trong những thách thức đó là việc sử dụng mạng xã hội chưa lành mạnh, tích cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 ngày nay, rất nhiều người không chỉ sống trong cuộc đời thực, mà còn “sống” trên môi trường mạng xã hội. Gọi là “sống”, vì không ít người coi mạng xã hội như một phần tất yếu của cuộc đời mình, nghĩa là nó thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày. Thậm chí, có nhiều người có thể chịu đựng một chút đói khát trong thời điểm nào đó, nhưng nhất định không chịu rời xa “thế giới phẳng” trong một ngày. Sử dụng mạng xã hội không hẳn chỉ là “chơi thôi”, vì trong cuộc chơi này, đối với một số người, không phải là hoàn toàn vô bổ cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.

Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình “nhặt được” từ bạn bè của mình, từ đó có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích. Chẳng hạn, có thể rất tình cờ, chúng ta nhìn thấy các clip trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng tiếng Pháp, sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về sự uyên bác, về phong thái đĩnh đạc, về sức thuyết phục của Bác và Đại tướng, từ đó thêm lòng yêu kính các vị ấy hơn, để chúng ta càng vững niềm tin về tương lai của cách mạng Việt Nam, để chúng ta có thêm quyết tâm đi trên con đường mà Đảng, nhân dân và các vị cách mạng tiền bối đã chọn…

Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin hết, bởi không ít những thông tin trên mạng xã hội được ngụy tạo đúng-sai, thực-hư, thật-giả lẫn lộn khiến người dùng bị “dắt mũi”, rồi người nọ chia sẻ thông tin cho người kia, lan truyền theo cơ chế "tam sao thất bản" khiến cho cái sai, cái giả có khi càng trở nên trầm trọng hơn. Chỉ cần một cái sai trong vòng ít phút, với tốc độ lan tỏa cực nhanh trên mạng xã hội, cái sai ban đầu có thể trở thành hàng nghìn, thậm chí hàng vạn cái sai khiến nhiều cư dân mạng nếu không tỉnh táo, vững vàng, thận trọng thì dễ rơi vào tâm trạng dao động, tác động không tốt tư tưởng, ảnh hưởng niềm tin vào những giá trị tích cực, tốt đẹp trong thực tế. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó, mà ta đinh ninh là sự thật.

Thời gian qua, một số cán bộ, đảng viên, công chức đã bị xử lý kỷ luật vì có hành vi cổ xúy thông tin lệch lạc, phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ uy tín người khác và đăng tải bài viết có nội dung trái quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên nào còn coi nhẹ ý thức chấp hành kỷ luật phát ngôn, ứng xử thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Do vậy, sử dụng mạng xã hội là xu hướng trong thời đại công nghệ số và đây là một trong những quyền chính đáng của con người. Cán bộ, đảng viên cũng không ngoại lệ. Tuy vậy, cần nhớ rằng, công dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm; còn cán bộ, đảng viên chỉ được làm những điều luật pháp cho phép. Cán bộ, đảng viên là “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” thu nhỏ trong con mắt người dân, do đó họ phải có trách nhiệm chung tay, góp sức tạo dựng, lan tỏa “hình ảnh thể chế, hình ảnh quốc gia, hình ảnh chính quyền” này càng tốt đẹp trong xã hội. Ngoài đời thực đã vậy, trên mạng xã hội cũng vậy. Mạng xã hội như một trong những tấm gương phản chiếu về chính bản thân người sử dụng nó. Để góp phần giữ gìn hình ảnh, tư cách của mình, mỗi cán bộ, đảng viên sống, ứng xử ở ngoài đời chuẩn mực như thế nào thì cũng phải giao tiếp, cư xử, tương tác trên mạng xã hội thể hiện ý thức chuẩn mực như thế. Bên cạnh việc giữ gìn lời ăn tiếng nói lành mạnh của bản thân trên mạng xã hội, cán bộ, đảng viên rất nên và rất cần cổ vũ, khích lệ, lan tỏa những điều tốt đẹp, những giá trị nhân văn, những hình ảnh tràn đầy năng lượng tích cực để góp phần làm giàu những giá trị văn hóa trên môi trường mạng. Mặt khác, khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên cần thể hiện lập trường, chính kiến chính trị rõ ràng của mình để bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, qua đó góp phần giữ vững và tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời góp phần làm cho hình ảnh văn hóa Việt Nam và những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong lòng bạn bè thế giới.

 Để góp phần giảm thiểu sự nhiễu loạn thông tin và làm trong sạch môi trường mạng, hơn ai hết, cán bộ, đảng viên cần đề cao và thực hiện những quy tắc, chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội và chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị về kỷ luật phát ngôn.

Ngọc Tuyết
Liên kết website