Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc về “dân chủ” và “nhân quyền” ở nước ta
Các thế lực thù địch đã phát tán nhiều bài viết trên không gian mạng xuyên tạc trắng trợn tình hình “dân chủ” và “nhân quyền” ở nước ta. Ngày 02/12/2022, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Báo cáo về tình hình dân chủ toàn cầu tiếp tục nêu Việt Nam trong nhóm toàn trị không có dấu hiệu thay đổi”. Ngày 01/01/2023, trên trang facebook Việt Tân tán phát bài “Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc không có nghĩa là đã mặc được một chiếc áo nhiệm màu”. Nội dung các bài viết xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp” tự do ngôn luận, tự do báo chí, “đàn áp” những người bất đồng chính kiến; kêu gọi cộng đồng quốc tế có ý kiến can thiệp, đồng thời kích động các hoạt động biểu tình, phá rối đòi tự do.
Đây không phải là thủ đoạn mới, tuy nhiên việc các thông tin xuyên tạc phát tán khó kiểm soát trên mạng xã hội đã tạo nên tâm lý hoài nghi trong xã hội, tạo dư luận không tốt về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn nhằm phát huy dân chủ và bảo đảm quyền lợi cho người dân, điều đó không chỉ được Nhân dân ta thừa nhận mà được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả bỏ phiếu bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, ngày 11/10/2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc với gần 80% tổng số phiếu bầu, thuộc nhóm nước trúng cử với số phiếu cao nhất là minh chứng rõ ràng về kết quả thực hiện “dân chủ” và “nhân quyền” ở nước ta.
Đảng và Nhà nước ta luôn hướng vào mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người dân, những thành tựu to lớn đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới trong hơn 35 năm qua là thực tiễn sinh động khẳng định điều đó: Nếu thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2021, thu nhập bình quân đầu người, đã đạt 3.743 USD, đứng thứ sáu trong ASEAN. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).
Các vấn đề an sinh xã hội cũng luôn được quan tâm chăm lo, không để ai bị bỏ lại phía sau ngay cả lúc nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, hay của đại dịch Covid-19, trở thành một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần trong 36 năm qua; 91% dân số nước ta đã tham gia bảo hiểm y tế. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng gần 46% từ năm 1990 đến năm 2019, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Các tôn giáo ở Việt Nam chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo in ấn, phát hành kinh sách. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế của các cá nhân, tổ chức tôn giáo ngày càng phát triển. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức như Đại lễ Phật đản VESAK 2014 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Quyền tự do Internet, sử dụng mạng xã hội, Việt Nam đang đứng top đầu thế giới. Như We Are Social & Hootsuite đã thống kê về chỉ số tiếp cận internet, Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile; khoảng 70 triệu người dùng internet; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã.
Việc Việt Nam lần thứ hai được bầu là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao, thể hiện sự khẳng định của cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; đồng thời, đặt niềm tin đối với nước ta trong lĩnh vực này. Nước ta nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong lần ứng cử này là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Đây là thực tiễn khẳng định thực chất về “dân chủ” và “nhân quyền” ở nước ta, là cơ sở để chúng ta phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.
Phương Nam
Tin khác
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số