Giữ vững nguyên tắc đấu tranh “phi chính trị hóa quân đội”
“Phi chính trị hóa” quân đội là một mục tiêu của các thế lực thù địch trong chiến lược diễn biến hòa bình chống phá cách mạng nước ta. Thực hiện mục tiêu “phi chính trị hóa” quân đội, chúng sử dụng các thuyết âm mưu, với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Đặc biệt trong thời gian gần đây, lợi dụng những vấn đề, những hiện tượng riêng lẻ trong quân đội để xuyên tạc quy chụp thành bản chất, qua đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; chia rẽ mối đoàn kết quân đội với nhân dân.
Giáo dục lịch sử, truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ LLVT Long An.
Hoạt động đấu tranh phòng chống phi chính trị hóa quân đội được tiến hành bao gồm cả hoạt động “phòng” và hoạt động “chống”. “Phòng” là ngăn chặn, phòng ngừa, làm cho các thế lực thù địch không thể thực hiện được âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa quân đội. Muốn vậy, chúng ta phải chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tăng cường sức đề kháng, khả năng miễn dịch của cán bộ, chiến sĩ trước mọi âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa.
Thực tiễn trong những năm qua, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, tập trung tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, công tác giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, chiến sĩ được tiến hành đa dạng, với nhiều cách làm sáng tạo. Đây là một nội dung quan trọng hàng đầu trong vấn đề chăm lo giáo dục, bồi dưỡng mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Qua đó, tạo tinh thần đoàn kết, yên tâm gắn bó với đơn vị của cán bộ, chiến sĩ.
Trong hoạt động đấu tranh “phi chính trị hóa” quân đội, chúng ta luôn xác định lấy phòng là chính, chống là quan trọng, cấp bách. Chống “phi chính trị hóa” quân đội là vạch trần bản chất phản động, chỉ rõ tính chất phản khoa học của cái gọi là phi chính trị hóa quân đội, quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội trung lập về chính trị, quân đội phi giai cấp và làm thất bại, làm phá sản mọi âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa quân đội, ngăn chặn không để sự tác động lây lan từ âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa quân đội trong xã hội và quân đội. Qua đó, loại trừ, triệt tiêu những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống “phi chính trị hóa” quân đội, chúng ta phải tiến hành theo mục đích, nội dung và biện pháp phù hợp, bảo đảm đúng định hướng, có chất lượng và hiệu quả cao, thực hiện tốt những vấn đề có tính nguyên tắc.
Thứ nhất, đấu tranh phòng, chống phi “chính trị hóa” quân đội phải dựa trên cơ sở kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong lịch sử hoạt động lãnh đạo của Đảng và quá trình cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay: “Đảng ta luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Chỉ có trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản nói chung, về xây dựng quân đội xã hội chủ nghĩa nói riêng; tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, về xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam, thì đấu tranh phòng chống phi chính trị hóa quân đội mới có cơ sở lý luận cách mạng, khoa học, mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, mới xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Thứ 2, đấu tranh phòng chống phi “chính trị hóa” quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, sự hướng dẫn của cơ quan chính trị.
Đây là những chủ thể nòng cốt, có vai trò rất quan trọng trong tổ chức đấu tranh, phòng chống phi chính trị hóa quân đội. Có dựa vào nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên và sự hướng dẫn của cơ quan chính trị thì cuộc đấu tranh phòng, chống phi “chính trị hóa” quân đội mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên nắm vững quan điểm, chủ trương, mục đích, yêu cầu, nội dung biện pháp và kế hoạch triển khai đã được xác định trong các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, tổ chức đảng.
Thứ ba, đấu tranh phòng, chống phi “chính trị hóa” quân đội phải góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một trong những nội dung rất cơ bản trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại là cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Thực tiễn về sự sụp đổ của nhà nước Liên Xô là một bài học cho thấy khi quân đội có sức mạnh quân sự to lớn cỡ nào nhưng không vững mạnh về chính trị thì quân đội không bảo vệ được chế độ.
Do vậy, trong quá trình xây dựng quân đội, để đảm bảo cho quân đội thực sự là lực lượng vũ trang sắc bén, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước với Tổ quốc và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phải thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Quá trình xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị phải thông qua hoạt động thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội trong cả thời bình và thời chiến.
An Nam
Tin khác
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số