Báo chí là lực lượng đi đầu trong công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái thù địch
Đề cao tính nhân văn
Một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của báo chí là đề cao tính nhân văn. Đó là việc, báo chí đề cao, quý trọng, ca ngợi và bảo vệ những văn hóa chung của cộng đồng, vì cuộc sống và lợi ích chính đáng của con người và của cộng đồng.
PV Báo Quân khu 4 tác nghiệp trong vùng lũ lụt
Từ khi báo chí cách mạng Việt Nam ra đời đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước vào trong nhân dân Việt Nam theo xu hướng cách mạng vô sản. Đó là cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân, dân chủ, dân sinh, vì sự tiến bộ của xã hội và những giá trị nhân đạo chân chính. Như vậy, từ trong bản chất, báo chí Việt Nam luôn mong muốn góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi con người, mỗi nhóm xã hội cũng như mỗi dân tộc vì sự phồn thịnh của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Qua đó, báo chí thể hiện mong muốn, nguyện vọng thiết tha ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc; trẻ em được cắp sách tới trường, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Chính từ những giá trị nhân văn ấy làm cho công chúng luôn đặt niềm tin vào báo chí cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/12/2016, hội nghị lần thứ 5 ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã thảo luận và thông qua quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội nhà báo cũng xác định một trong mười điều quy định là “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.
Tuy nhiên, hiện nay, trước sự cám dỗ của vật chất, một số người làm báo đã không giữ được đạo đức nghề nghiệp dẫn đến làm lu mờ những giá trị nhân văn trong những bài viết. Những biểu hiện đó là không chú trọng tuyên truyền về lịch sử cách mạng, gương người tốt, việc tốt, những tấm gương cống hiến hy sinh vì tổ quốc; thay vào đó là phản ánh những mặt trái của xã hội với những từ khóa “cướp, giết, hiếp” luôn trên tóp đầu của công cụ tìm kiếm. Nhiều người lợi dụng danh nghĩa “phóng viên” để uy hiếp tống tiền các doanh nghiệp thậm chí là cơ quan nhà nước. Nguyên nhân là do một số lãnh đạo cơ quan báo chí, cán bộ, phóng viên bản lĩnh chính trị yếu, còn mơ hồ trong nhận thức về chính trị, tư tưởng, về vị trí, vai trò, sứ mệnh người làm báo cách mạng và thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng và đề cao vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng và đóng góp to lớn của báo chí cách mạng. Đội ngũ những người làm báo nước ta luôn thể hiện lòng trung thành với Đảng và chế độ.
Tuy nhiên, trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của kẻ thù, chúng ta không được phép chủ quan về sự phân hóa tư tưởng ngay trong đội ngũ những người làm báo, giữa các tờ báo. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan chủ quản đối với hoạt động báo chí phải thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời để báo chí phát huy tốt vai trò định hướng dư luận, động viên xã hội thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phản bác lại các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch.
Bài học của Liên Xô và các nước Đông Âu trong cuộc các cuộc biến động chính là sự buông lỏng quản lý và thả nổi hoàn toàn hoạt động báo chí của giới lãnh đạo, đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ trong truyền thông. Thậm chí họ còn sử dụng báo chí để lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực và làm dấy lên các phong trào “dân chủ”. Báo chí thiếu định hướng đã tác động lớn đến diễn biến tình hình. Cho nên vào những thời điểm phức tạp, nhạy cảm và có tính quyết định, không những chính quyền không nắm được báo chí, mà các phương tiện thông tin đại chúng còn bị lợi dụng làm công cụ phản kháng chế độ. Đây là một trong những nguyên nhân làm sụp đổ của các quốc gia này.
Với Việt Nam, chúng ta luôn nhất quán quan điểm hoạt động báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Nhờ có Đảng tiên phong lãnh đạo, báo chí truyền thông của ta luôn đi trên con đường đúng đắn, nhiệm vụ tuyên truyền định hướng đạt kết quả cao, trình độ nhận thức cũng được nâng lên.
Theo khảo sát mới nhất của Công ty phân tích dữ liệu toàn cầu YouGov về mức độ tin tưởng của người dân đối với hoạt động đưa tin về dịch bệnh của báo chí trên thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu. Gần 90% người được hỏi tin tưởng vào những thông tin mà báo chí đăng tải liên quan tới dịch bệnh.
Giữa những thông tin rối ren về Covid 19, vai trò của báo chí chính thống, truyền thông chính xác ở Việt Nam được đề cao hơn bao giờ hết, không chỉ mang đến những tin tức đúng đắn, khiến người dân an tâm và ổn định cuộc sống trong thời dịch mà còn giúp truyền đạt đầy đủ những chỉ đạo của Chính phủ đến người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. Việc báo chí chính thống giành lại niềm tin, giá trị cốt lõi của mình càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh báo chí hiện đại đang cạnh tranh với sự bùng nổ của mạng xã hội. Đó chính là lý do vì sao báo chí Việt Nam được các tổ chức truyền thông thế giới và người dân sở tại đánh giá cao.
Để thời gian tới, báo chí tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả, trọng trách lớn lao phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, chúng ta cần phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp và toàn diện đối với cơ quan báo chí. Thông qua cấp ủy Đảng ở cơ quan báo chí là một trong những yếu tố quan trọng để giữ vững định hướng chính trị trên mặt trận báo chí, nhất là trước những sự kiện chính trị quan trọng, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng đối với hoạt động báo chí sẽ làm cho nhận thức, tư tưởng, bản lĩnh của người làm báo được chắc chắn, có phương hướng chính trị đúng đắn và không dễ bị tác động bởi những tư tưởng sai trái thù địch.
Tin khác
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới
- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số