Vành đai Rạch Kiến – Vành đai diệt Mỹ
Bám thắt lưng để đánh địch
Vào năm 1967, quân Mỹ được điều động số lượng lớn, đóng thêm nhiều căn cứ và đánh phá ác liệt hầu hết các vùng giải phóng tại Long An gây khó khăn cho bộ đội và du kích hoạt động. Trước tình hình trên, Tỉnh ủy Long An đã đề cập đến vấn đề vận dụng kinh nghiệm của các nơi về lập “vành đai diệt Mỹ”. Sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, Tỉnh ủy Long An xác định căn cứ Mỹ ở Rạch Kiến nằm lọt giữa khu vực rộng lớn của vùng thượng Cần Đước và hạ Cần Giuộc là nơi có thể hình thành được vành đai diệt Mỹ.
Rạch Kiến có căn cứ cấp lữ đoàn của sư đoàn bộ binh 9 của Mỹ. Nó là một mắt xích quan trọng nằm trong tuyến triển khai lực lượng của sư đoàn này tại Long Thành, Cát Lái đến Nhà Bè, Long An, Mỹ Tho. Căn cứ Rạch Kiến tương đối rộng và kiên cố, có sân bay trực thăng, trận địa pháo, chung quanh có 6 lớp hàng rào kẽm gai, ba tuyến mìn tự động và nhiều lô cốt tiền tiêu. Lực lượng bên trong căn cứ thường xuyên có hai Tiểu đoàn (1 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn cơ giới). Chúng luôn đánh phá các khu vực xung quanh để bảo vệ căn cứ.
Trong khi đó, lực lượng vũ trang huyện Cần Đước có 7 trung đội (gồm 4 trung đội bộ binh và các phân đội đặc công, trinh sát, hỏa lực), 5 trung đội du kích liên xã do huyện đội nắm trực tiếp. Ở mỗi xã còn có một trung đội du kích, mỗi ấp có từ một đến hai tổ du kích mật. Lực lượng chính trị của Cần Đước có 16 chi bộ Đảng, mỗi chi bộ có từ 20 đến 50 đảng viên, ngoài ra có hàng ngàn các hội viên đoàn thể quần chúng cách mạng.
Để đánh địch, Ban Chỉ huy vành đai được thành lập theo hình thức Ban chỉ huy tổng hợp trong các đợt hoạt động. Tổ chức vành đai được hình thành 3 tuyến lực lượng. Tuyến 1 gồm các xã giáp căn cứ địch, lực lượng có 5 trung đội du kích liên xã và 2 tiểu đội du kích của hai xã Long Hòa và Tân Trạch. Nhiệm vụ của tuyến này là gài mìn và lựu đạn trên tất cả các con đường ra vào và xung quanh căn cứ, đồng thời có trách nhiệm quan sát, thông báo kịp thời cho các tuyến ngoài về những hành động của địch, tạo điều kiện phối hợp chiến đấu.
Tuyến 2 gồm lực lượng tỉnh và huyện, phân tán thành từng bộ phận nhỏ đánh tiêu hao quân Mỹ từ căn cứ ra. Tỉnh chủ trương thường xuyên đưa xuống tuyến này từ 1 đến 3 tiểu đoàn của tỉnh để duy trì hoạt động và chiến đấu ở vành đai.
Tuyến ba giao cho du kích và nhân dân làm tất cả các hình thức có thể đánh được quân Mỹ đi càn như: hầm chông, lưu đạn, cài mìn, bắn tỉa, thậm chí huấn luyện cả ong vò vẽ và rắn độc để đánh Mỹ.
Nhưng đánh như thế nào là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu, vì vậy, ban chỉ huy vành đai đã tổ chức một cuộc thảo luận rộng rãi trong lực lượng tỉnh và huyện về quyết tâm và tìm cách đánh mỹ. Những kinh nghiệm ở khắp nơi được đem ra thảo luận. Mọi người đều thấy muốn đánh được Mỹ phải đánh gần và đánh nhanh mới tránh được phi pháo của địch. Cuộc thảo luận kéo dài nhiều ngày, một chiến sĩ của tiểu đoàn 2 Long An xung phong đi đánh Mỹ trước để rút kinh nghiệm. Anh chọn 2 vị trí công sự: một ở rất gần con đường lính Mỹ thường đi trong căn cứ ra; một vị trí nữa cách khoảng 200 mét, có đường vận động tương đối kín đáo.
Hôm ấy, một mình anh ngồi dưới công sự gần đường chờ địch. Khoảng một trung đội lính Mỹ từ trong căn cứ đi ra theo đội hình hàng dọc, cách nhau tương đối thưa. Tên lính đi đầu cách anh khoảng 10 mét, anh mới nổ súng rồi chạy một mạch về công sự an toàn mà vẫn chưa nghe tiếng súng bắn trả.
Từ trận đánh đầu tiên của người chiến sĩ Tiểu đoàn 2 đã mở đầu cho phong trào đánh Mỹ của bộ đội tỉnh, huyện và du kích vành đai. Hầu như từ người già đến trẻ nhỏ đều tự tìm ra vũ khí hoặc xin nhận vũ khí đi đánh giặc. Cuộc chiến đấu mới với phong trào hết sức sôi nổi đi vào đời sống nhân dân như những công việc đồng áng thường ngày. Người dân vành đai đã trao đổi “vay mượn” thành tích để có nhiều dũng sĩ diệt Mỹ. Má Năm kiếm được một quả mìn chống tăng, má không biết sử dụng nên nhờ một anh du kích đặt hộ trên đường và diệt được một xe quân sự có 4 tên Mỹ. Má nói với huyện đội là má chỉ nhận thành tích diệt Mỹ còn thành tích diệt xe thì nhường cho anh du kích. Như vậy cả hai người đều đạt danh hiệu dũng sĩ. Cách chia thành tích của má Năm được Huyện đội áp dụng để giải quyết các vụ “tranh chấp” thành tích. Có một lần, một phụ nữ chôn một quả mìn ở đoạn đường này, nhưng xe Mỹ lại nổ ở đoạn đường khác, còn mìn của chị thì bị mất. Chị lên huyện kiện người lấy mìn của chị. Huyện đội giải quyết bằng cách công nhận cả hai đều là dũng sĩ, một người là dũng sĩ diệt xe, một người là dũng sĩ diệt Mỹ. Tất cả đều vui vẻ.
Các trường hợp cho “mượn” thành tích diệt Mỹ diễn ra phổ biến và sôi nổi ở vành đai. Có chị du kích mới diệt được 2 tên Mỹ, đồng đội của chị cho “mượn” 1 tên nữa để đủ tiêu chuẩn công nhận dũng sĩ. Trận sau, chị trả lại cho bạn một tên khác. Có chị diệt được 1 tên Mỹ đem đổi cho người khác lấy một trái lựu đạn, vì chị cho rằng trái lựu đạn gài có thể diệt được hai đến ba tên như thế sẽ có “lời” hơn.
Theo thống kê của huyện Cần Đước, chỉ sau ba tháng chiến đấu, quân dân vành đai đã diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên Mỹ, bắn rơi 20 máy bay lên thẳng, bắn cháy 20 xe quân sự, diệt một cứ điểm ở Long Khê, diệt 1 tiểu đoàn ngụy ở Phước Lý…
Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kết hợp với binh vận, địch vận
Không chỉ phong trào đấu tranh vũ trang đang lan mạnh ở vành đai rạch kiến mà cuộc đấu tranh chính trị và binh vận với Mỹ cũng được quân và dân vành đai vận dụng thích hợp cho từng trường hợp.
Trường hợp quân Mỹ đi càn bị rắn hổ cắn chết, bị sa hầm chông, bọn Mỹ bắt nhân dân lấy cánh cửa làm cáng khiêng về căn cứ. Những người khiêng cáng cố tình đi qua nhiều làng mạc để bà con nhìn thấy cách đánh và tác dụng của những vũ khí thô sơ. Còn trận đánh tại xã Long Sơn, máy bay Mỹ ném bom nhầm vào đội hình của chúng, làm lính Mỹ phải rút vội vã, bỏ sót một tên chết dưới mương sâu. Khi trở lại trận địa, du kích Long Sơn đã tìm thấy thi thể của lính Mỹ. Họ đã đem thi thể về bàn giao cho Huyện ủy Cần Đước. Để thuận tiện cho việc đấu tranh chính trị, Huyện ủy Cần Đước đã giao cho 12 phụ nữ của ba xã Long Cang, Long Định, Phước Vân do chị Tư Nhành phụ trách trao trả xác lính Mỹ cho căn cứ Rạch Kiến. Trước hành vi nhân đạo của Việt Nam, các sĩ quan Mỹ ở căn cứ Rạch Kiến đã tỏ ra biết ơn, bày tiệc, tặng quà nhưng các chị không nhận và chỉ yêu cầu không được bắn pháo, ném bom bừa bãi vào làng. Phía Mỹ nhận lời và từ đó nhân dân xung quanh Rạch Kiến đỡ phải chạy dạt vì bom pháo.
Mũi binh vận nhằm vào quân ngụy cũng được tiến hành thường xuyên, nhất là khai thác mâu thuẫn giữa Mỹ và ngụy, khơi dậy tinh thần dân tộc của anh em binh sĩ. Đặc biệt gia đình binh sĩ trở thành một lực lượng binh vận rất đắc lực. Trong trận càn của quân Mỹ và quân ngụy vào ấp 3 Long Sơn, mũi binh vận đã huy động được 50 gia đình binh sĩ kéo ra ngăn cản không cho con em mình đi càn với Mỹ. Trận càn này phải hủy bỏ.
Cuộc chiến đấu trên vành đai diễn ra ngày càng sôi nổi, đa dạng và phong phú. ở đó, mỗi người dân thực sự là một người lính và sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đã được phát huy đến mức độ cao. Vành đai Rạch Kiến trở thành đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Long An. Đó còn là một phương thức đánh Mỹ, góp phần đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, góp phần làm thất bại chiến lược mùa khô năm 1967 của Mỹ.
Tin khác
- Vận động phục kích đánh trận Bình Đức
- Vành đai Rạch Kiến – Vành đai diệt Mỹ
- Chiếc bọc lội thời chống Mỹ
- Hội thảo khoa học về Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Khẳng định giá trị lịch sử, đúc rút những bài học quý
- Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương trong kháng chiến chống Pháp
- Bám dân trinh sát, nghiên cứu địch
- Súng trường hạ máy bay Mỹ
- Mật ngữ vo