Hội thảo khoa học về Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Khẳng định giá trị lịch sử, đúc rút những bài học quý
Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó tư lệnh Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Dự hội thảo có Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu các cơ quan, đơn vị quân đội, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học và đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Đồng Nai.
Các đại biểu dự hội thảo.
Khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh: Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, ngày 15-2-1961, tại chiến khu Đ, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất LLVT tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc vào. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành của LLVT ở miền Nam. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của QĐND Việt Nam, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự chỉ huy thống nhất của Bộ Quốc phòng-Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam và Ban Quân sự thuộc Trung ương Cục.
Kể từ ngày thành lập cho đến khi kết thúc sứ mệnh lịch sử, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và quân đội giao phó, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, phát triển lực lượng, lập nên những chiến công tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn lịch sử.
Cuộc hội thảo là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình xây dựng, chiến đấu, công lao, đóng góp của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; khẳng định sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng trong tổ chức và sử dụng LLVT phục vụ nhiệm vụ chiến lược. Thành công của hội thảo sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Phát biểu chào mừng hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường chia sẻ: Hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, của QĐND Việt Nam; tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đối với LLVT; bổ sung nhiều tài liệu quý về Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vào hệ thống dữ liệu lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của thế hệ trẻ, góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Kế thừa, phát huy những giá trị của lịch sử quý báu, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân tỉnh Đồng Nai nguyện tiếp tục phấn đấu không ngừng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng tỉnh ngày càng văn minh, giàu mạnh...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đại biểu tập trung làm sáng tỏ và sâu sắc hơn những nội dung chủ yếu, gồm: Khẳng định chủ trương thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng LLVT; nhấn mạnh sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu, làm nên chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; làm rõ thêm tầm vóc, ý nghĩa của những chiến công, vai trò của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà; trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân Giải phóng miền Nam, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng QĐND hiện nay và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN...
Trung tướng Nguyễn Tân Cương trao đổi với các đại biểu dự hội thảo.
Bằng phương pháp luận khách quan, khoa học và trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVT cách mạng, nhiều tham luận tập trung làm sáng tỏ Quân Giải phóng miền Nam ra đời là một yêu cầu tất yếu, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Về danh nghĩa, đây là đội quân do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập ra, có tên gọi, màu cờ, sắc áo riêng, nhưng thực chất là một bộ phận của QĐND Việt Nam, hoạt động trên chiến trường miền Nam. Trong tham luận gửi Ban tổ chức hội thảo, Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phân tích: Từ thực tiễn cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng chủ trương: Đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, phải ra sức xây dựng LLVT bao gồm dân quân, du kích ở thôn, xã, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đến bộ đội chủ lực khu, miền; đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh quân sự của 3 thứ quân để giúp sức đắc lực cho đấu tranh chính trị; trong đó chủ trương xây dựng các đơn vị vũ trang tập trung. Thực hiện chủ trương của Đảng, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-một bộ phận của QĐND Việt Nam, do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo...
PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó viện trưởng, Phụ trách Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nêu ra nhiều dẫn chứng về Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến nhiệm vụ và công tác miền Nam; Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) quyết định “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến”; cao trào Đồng Khởi xuất hiện hình thức 3 thứ quân... Từ đó, PGS, TS Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định: Việc thống nhất tổ chức LLVT và các cơ quan chỉ huy toàn miền Nam là sự sáng tạo của Đảng trong tổ chức và sử dụng LLVT cách mạng, là một nhu cầu khách quan, cấp bách. Điều đó được minh chứng bằng những thắng lợi to lớn của Quân Giải phóng miền Nam từ khi thành lập cho đến ngày đất nước thống nhất.
Sáng rõ vai trò, sứ mệnh vẻ vang
Là lực lượng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam, đối mặt với đội quân xâm lược nhà nghề hùng mạnh bậc nhất thế giới, trong điều kiện trang bị, vũ khí, trình độ kỹ chiến thuật hạn chế nhưng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, chiến đấu kiên cường để làm nên những thắng lợi to lớn, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Theo luận giải của Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Trưởng phòng Lịch sử Tư tưởng-Tổ chức quân sự (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam): Từ sau ngày thành lập, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam không ngừng lớn mạnh, tăng cường tác chiến. Từ những thắng lợi đầu tiên trong trận Núi Thành, Vạn Tường đã tiến lên mở các chiến dịch cấp sư đoàn kết hợp với tác chiến rộng khắp của LLVT địa phương đánh bại 2 cuộc phản công mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ, ngụy, tạo tiền đề tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đánh bại “Chiến tranh cục bộ”; tiếp đó là đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và đỉnh cao là thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 lịch sử.
Cùng quan điểm với Đại tá Lê Thanh Bài, dưới góc nhìn tổng quát, Đại tá, PGS, TS Hoàng Xuân Nhiên (Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng) đi sâu phân tích quá trình tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của Quân Giải phóng miền Nam qua từng thời kỳ, từng chiến dịch, khẳng định: Tác chiến tập trung chính quy, hiệp đồng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, trình độ ngày càng cao là phương hướng phát triển tất yếu trong nghệ thuật tác chiến ở cả quy mô chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; đồng thời cũng là quy luật giành thắng lợi triệt để của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đồng thời cho thấy, muốn giành được thắng lợi, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, trên cơ sở phong trào chiến tranh nhân dân ở địa phương phát triển cao và rộng khắp nhất thiết phải có lực lượng mạnh, đánh tiêu diệt lớn, phá vỡ từng mảng trận địa phòng ngự của địch... Để đi đến thắng lợi hoàn toàn, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập trung phát triển lực lượng, hình thành nên những quân đoàn chủ lực, liên tiếp mở và giành thắng lợi ở các chiến dịch trọng điểm: Đường số 2 Bà Rịa-Long Khánh; đường số 7 Bến Cát-Rạch Bắp; Nông Sơn-Thượng Đức; La Sơn-Mỏ Tàu; đường 14-Phước Long... Những chiến dịch này chứng tỏ vai trò của Quân Giải phóng miền Nam, đặc biệt là chiến công vĩ đại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử trong thời đại mới
Từ ngày thành lập đến khi kết thúc vai trò lịch sử vào ngày 7-7-1976, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm nên những thắng lợi huy hoàng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, vẹn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại tá, TS Lương Đình Lành, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, tham luận: “Những bài học về lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong xây dựng và phát huy vai trò của LLVT; phương pháp tổ chức, xây dựng LLVT phù hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ; phát huy sức mạnh chính trị-tinh thần, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ..., được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đoàn. Đây cũng là nhân tố quan trọng làm nên những chiến công vang dội của Quân đoàn 4 trong suốt những năm qua”.
Đồng quan điểm với Đại tá, TS Lương Đình Lành, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, cho rằng: Một trong những bài học quý báu vẹn nguyên giá trị thực tiễn hoạt động của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đó là xây dựng LLVT cách mạng. Đây là nét độc đáo, sáng tạo điển hình của nghệ thuật tổ chức lực lượng và lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Bởi vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng lực lượng của QĐND Việt Nam cũng như ở các cơ quan, đơn vị toàn quân...
Kết luận hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương đánh giá cao hàm lượng khoa học của các tham luận. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Gần 90 tham luận với nội dung phong phú, chất lượng, trong đó có 9 tham luận được trình bày tại hội thảo, góp phần luận giải, phân tích, đánh giá vai trò, sứ mệnh lịch sử của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam; qua đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong lãnh đạo, điều hành LLVT thực hiện nhiệm vụ chiến lược cách mạng; đúc rút ra những bài học quý báu. “Hội thảo khoa học “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam-Vai trò, ý nghĩa và bài học lịch sử” là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, dám đánh, biết thắng giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; tôn vinh các thế hệ làm nên lịch sử, hiểu rõ tầm vóc, giá trị, đúc rút những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau”, Trung tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.
Tin khác
- Vận động phục kích đánh trận Bình Đức
- Vành đai Rạch Kiến – Vành đai diệt Mỹ
- Chiếc bọc lội thời chống Mỹ
- Hội thảo khoa học về Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Khẳng định giá trị lịch sử, đúc rút những bài học quý
- Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương trong kháng chiến chống Pháp
- Bám dân trinh sát, nghiên cứu địch
- Súng trường hạ máy bay Mỹ
- Mật ngữ vo