Khí thế thi đua trong LLVT huyện Bến Lức
Huyện Bến Lức được UBND tỉnh Long An tặng cờ thi đua trong công tác tuyển quân năm 2024
Bám sát chủ đề, tạo khí thế thi đua sôi nổi
Huyện Bến Lức là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Long An. Chính vì vậy trong những năm qua, LLVT huyện Bến Lức đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững quốc phòng an ninh trong mọi tình huống.
Đặc biệt thông qua phong trào thi đua yêu nước, LLVT huyện đã tổ chức phát động các đợt thi đua đột kích, thi đua cao điểm gắn với kỷ niệm ngày lễ, các sự kiện chính trị quan trọng, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn LLVT huyện. Hoạt động phong trào thi đua luôn bám sát chủ đề hàng năm, gắn với phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Trung tá Lê Văn Ánh, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bến Lức cho biết: “Cơ quan Ban Tham mưu có chức năng tham mưu cho Ban CHQS huyện thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đầu. Vì vậy, cơ quan đã tập trung đột phá, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị; xung kích vào các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó, khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Cơ quan đã tổ chức quán triệt, xây dựng quyết tâm thi đua trong từng cán bộ, nhân viên. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) với xây dựng điển hình tiên tiến. Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua chặt chẽ, thực chất để cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Theo đó, để nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong LLVT huyện, Ban Tham mưu đã đề xuất Ban CHQS huyện phát động nhiều phong trào thi đua như: “huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, SSCĐ cao”, “vượt nắng thắng mưa say sưa luyện tập”, "phong trào 3 nhất"… gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, bản lĩnh chiến đấu và huấn luyện kỹ chiến thuật với diễn tập hiệp đồng chiến đấu, xử lý các tình huống, từng bước hoàn chỉnh phương án tác chiến của các lực lượng. Từ đó, khí thế thi đua trong công tác huấn luyện đã được nâng cao. Nhiều năm liền, LLVT huyện Bến Lức đạt nhiều thành tích cao trong hội thi, hội thao quốc phòng LLVT tỉnh.
Trong Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, Ban Hậu cần – Kỹ thuật đã chủ động xây dựng hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất. Qua đó, tổng thu nhập từ tăng gia sản xuất đạt 5,37 tỷ đồng; đưa vào ăn thêm cho bộ đội thường trực từ 5.000 -7.000 đ/người/ngày; quân số khỏe luôn đạt 99,8 %. Công tác kỹ thuật được duy trì chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phục vụ tốt các nhiệm vụ. Tích cực tham gia hội thi, sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, ứng dụng vào học tập, công tác tại đơn vị.
Trung tá Nguyễn Quốc Doanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Bến Lức cho biết: “Cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thi đua, Ban CHQS huyện đã phát động, thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như “trao bò giống tặng người dân nghèo; “trao xe mô tô tuần tra cho dân quân”; Mô hình “Giáo dục truyền thống” và “Hủ gạo thanh niên”… Đây là những mô hình đã được thực hiện hiệu quả, nhân rộng trong LLVT và tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Những tấm gương điển hình trong phong trào thi đua
Trong phong trào thi đua quyết thắng của LLVT huyện đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trở thành những tấm gương lan tỏa trong cuộc sống.
“Tuổi trẻ thi đua làm nhiều việc tốt” là phương châm hành động của Chi đoàn Dân quân cơ động (DQCĐ) xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Từ phương châm đó, chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động xung kích tình nguyện mang lại hiệu quả cao, trong đó ấn tượng nhất là mô hình “Hũ gạo thanh niên” đã lan tỏa được việc làm nhân văn, đóng góp sức trẻ xây dựng quê hương.
Nhận món quà 10kg gạo và 1 lốc sữa từ Chi đoàn DQCĐ, em Trần Nguyễn Bảo Hân cùng gia đình ở ấp 1 vô cùng phấn khởi bởi số gạo này sẽ giúp gia đình em có cơm ăn được trong nhiều ngày. Là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Bảo Hân thiếu đi sự chăm sóc của ba mẹ, em ở với ông bà ngoại đã cao tuổi, không có thu nhập nên trông chờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm và chính quyền địa phương. Cuộc sống của em là những bữa no, bữa đói. Để Bảo Hân tiếp tục bám trường, bám lớp học con chữ, Chi đoàn DQCĐ xã Thạnh Hòa đã nhận đỡ đầu em.
Theo đồng chí Dương Thúy Phượng, Bí thư đoàn xã, Chính trị viên phó Ban CHQS xã Thạnh Hòa, không chỉ giúp đỡ Bảo Hân, mỗi năm, chi đoàn đều phối hợp với trường tiểu học xã nhận giúp đỡ 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi quý, ngoài 10kg gạo và 1 lốc sữa, chi đoàn cử đoàn viên xuống giúp các em ôn bài và phụ giúp những công việc trong gia đình.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mô hình “Hũ gạo thanh niên” được hình thành và đưa vào hoạt động từ năm 2016. Trong đó, mỗi đoàn viên đóng góp 10 nghìn đồng/tháng. Nhờ mô hình được duy trì thường xuyên, liên tục nên đã tạo ra sự lan tỏa rất lớn. Nhiều mạnh thường quân cũng tình nguyện đồng hành cùng chi đoàn tham gia giúp đỡ các em. Với ý nghĩa nhân văn, mô hình đã được Huyện ủy Bến Lức chọn làm điểm, nhân rộng ra toàn Đảng bộ huyện.
Thực hiện mô hình “giáo dục truyền thống” cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn huyện Bến Lức, Ban CHQS huyện Bến Lức đã đầu tư xây dựng phòng truyền thống với khuôn viên gần 100 m2. Không gian phòng truyền thống tuy nhỏ nhưng được thiết kế khoa học với những tư liệu quý Trong đó, nhiều hiện vật gốc có giá trị khoa học, phản ánh từng giai đoạn lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh biên giới Tây Nam. Những tài liệu, hiện vật này minh chứng cho tác phong giản dị, tinh thần chiến đấu bất khuất của các CBCS và tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với Đảng. Theo đó, hàng tháng, Ban CHQS huyện phối hợp với các trường học, đoàn thanh niên huyện để tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.
Mỗi lần đến với phòng truyền thống Ban CHQS huyện Bến Lức, thế hệ trẻ sẽ được tham quan và viết cảm nhận của mình. Đây là cách làm thiết thực, trực quan, sinh động để khơi dậy lòng yêu nước của đoàn viên thanh niên và các em học sinh. Qua đó, góp phần hình thành nhận thức đúng đắn cho thế hệ trẻ trong các hoạt động của bản thân đối với xã hội. Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Bến lức chia sẻ: “ Mỗi lần lên lớp giáo dục truyền thống cho học sinh, đoàn viên, thanh niên, tôi nhận thấy được các bạn trẻ vẫn đang còn thiếu kiến thức về lịch sử địa phương. Do vậy, tôi luôn nỗ lực, trau dồi các kiến thức để mỗi bài lên lớp tạo được hứng thú cho người tham quan.
Thượng tá Lê Văn Riêng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bến Lức cho biết: “Trong giai đoạn 2019 - 2024 đã có 97 tập thể, 376 cá nhân được các cấp khen thưởng. Đặc biệt, LLVT huyện vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua năm 2020; Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tặng cờ thi đua năm 2020, 2023, tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng trong phong trào thi đua Quyết thắng 2019, 2021, 2022. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; phát huy truyền thống đoàn kết Quân – Dân”.
Văn Cường
Tin khác
- Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
- Quân khu 7 tổ chức lễ xuất quân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia
- Đảng ủy – Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng hội thảo nghiệm thu công trình lịch sử truyền thống LLVT huyện Vĩnh Hưng giai đoạn 1978 – 2023
- Đảng ủy Quân sự huyện Vĩnh Hưng kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên năm 2024
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư ấp 4 xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng năm 2024
- Vững biên cương, ấm lòng dân
- Chi bộ Quân sự xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng kết nạp đảng viên mới
- Đảng uỷ, Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng chi trả phụ cấp trách nhiệm cho quân nhân dự bị
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự sinh hoạt Chi bộ cơ sở Đội K73
- Người đội trưởng gương mẫu, trách nhiệm