Xây “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng
Chủ động, nhạy bén nhận biết, dẫn dắt dư luận
Dân gian ta có câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, câu nói trên với hàm ý nói về vai trò đầu tàu, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Trong dòng xu thế của thời đại, khi mà mỗi cán bộ, đảng viên cũng là con người, cũng theo dòng thời cuộc, hằng ngày trong tham gia mạng xã hội, đều nắm được những điều hay lẽ phải của dư luận trên không gian mạng. Bằng vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, đa phần đội ngũ này đều biết phân biệt đúng, sai để đấu tranh, phê phán với những thói hư, tật xấu, thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Nhưng cũng có không ít cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn dửng dưng với những thông tin “lề trái” để rồi không hoặc không dám đấu tranh.
Có một thực tế rằng, không chỉ trong thế giới ảo mà ngay ở đời thường cái tốt cái xấu đôi khi lẫn lộn, thật giả khó phân minh. Với trách nhiệm, bản lĩnh và sự hiểu biết của mình, cán bộ, đảng viên phải là người chủ động, nhạy bén nắm bắt dư luận, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thông tin cho người dân nắm, hiểu rõ góc cạnh của mọi vấn đề, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Với quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, chí ít mỗi người, mỗi ngày đều góp phần làm trong sạch môi trường mạng bằng những tin người tốt, việc tốt. Trong vườn hoa thơm, đẹp của người tốt, việc tốt ấy có biết bao tập thể, cá nhân cần được lan tỏa để mọi người biết đến, noi theo. Như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (khi còn là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) đã từng nhấn mạnh, “Nếu mọi người, mỗi ngày gửi cho nhau một tin tốt, chia sẻ với nhau vài ý hay, gửi đi thông điệp tốt đẹp của cuộc sống, chắc chắn môi trường internet sẽ tích cực, tốt đẹp, trong lành hơn”.
Trong quá trình đi cơ sở, chúng tôi có gặp một cán bộ tuyên huấn nhiệt tình, trách nhiệm chia sẻ về việc lan tỏa những điều hay lẽ phải. Không chỉ tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng xã hội; giúp cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà ở nhà, với hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học của mình, mỗi sáng anh giao chỉ tiêu phải đọc và thuộc một lời Bác Hồ dạy, rồi suy ngẫm, phân tích theo ý hiểu. Ban đầu bọn trẻ cũng tỏ ra miễn cưỡng làm theo, song anh nhẫn nại hướng dẫn cho con chọn nội dung phù hợp với lứa tuổi và nhận thức để thực hiện. Bởi “Mưa dầm thấm lâu” dần già, các cháu đều thích thú, làm theo. Với người thân của mình, anh cũng chọn cách làm phù hợp, giúp lan tỏa những điều hay lẽ phải đến mọi người. Anh coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên để đấu tranh với những thông tin xấu, độc trong thời đại 4.0. Hằng ngày, cứ đều đặn mỗi sáng, trên trang Facebook, Zalo của anh đều xuất hiện khi thì nội dung “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”, khi là “Mỗi tuần một điều luật”, có lúc là những gương sáng của đời thường, hoặc chia sẻ thông tin nóng, chính thống về các vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm…
Nếu mỗi cán bộ, đảng viên ai cũng có tinh thần, trách nhiệm thực hiện được như người cán bộ tuyên huấn nói trên thì việc lan tỏa, nối những nhịp cầu của điều hay, lẽ phải đến với đông đảo người dân, góp phần đấu tranh phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch thì việc giữ vững được mặt trận tư tưởng của Đảng trên không gian mạng sẽ ngày càng vững chắc.
Đi từ thực tiễn
Môi trường quyết định đến nhận thức, tư duy và hành động. Cán bộ, đảng viên khi muốn “nói dân tin, làm dân theo” phải thực sự là những người hết lòng phụng sự và có uy tín đối với nhân dân. Khi mà lòng tin của người dân vào đội ngũ “công bộc” bị giảm sút thì nói chẳng ai nghe, làm chẳng ai tin, bởi “một tấm gương sáng còn hơn trăm bài diễn thuyết hay” và “một lần mất tin, vạn lần mất tín”.
Thực tế cho thấy, khi số ít cán bộ, đảng viên ở chính quyền cơ sở có lúc, có nơi còn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, khi mà đâu đó vẫn còn những cán bộ “hành dân” hơn là “vì dân”. Thậm chí, có nơi, có lúc người dân không biết kêu ai, chia sẻ với ai, dựa vào ai. Những thông tin tiêu cực xuất hiện trên mạng xã hội nguyên do không ít cũng một phần bắt nguồn từ sự bức xúc của người dân vì chưa được quan tâm đúng mức, giải quyết thoả đáng, có tình, có lý những vướng mắc của mình. Lòng dân là tấm gương soi chiếu từ thực tiễn và chính mạng xã hội là “tấm gương soi chiếu lòng dân”.
Không ít lần đi công tác, hay trong cuộc sống tiếp xúc với quần chúng, chúng tôi nhận thấy trong những luồng thông tin tích cực thì vẫn còn đó những trăn trở trước sự yếu kém của đội ngũ cán bộ ở chính quyền sở tại. Tựu chung lại những trăn trở ấy là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở không biết đã vô tình hay cố ý nhưng đã không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của dân, làm ngơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân. Sự ấm ức tích tụ lâu dài của người dân khi đủ về lượng sẽ biến chuyển về chất. Nguy hại hơn luồng suy nghĩ có phần tiêu cực ấy khi bắt gặp những thông tin xấu độc, sai sự thật mang tính kích động trên mạng xã hội vô tình có liên quan đến lĩnh vực, vấn đề mà người dân đang quan tâm, bức xúc và như có sự đồng cảm, họ vội tin và nghe theo.
Do đó, trước khi nói đến không gian mạng thì cần giải quyết tốt căn nguyên gốc rễ từ đời thực. Cán bộ, đảng viên cần phải thực sự gương mẫu trong lời nói và việc làm, thực sự là “công bộc” của dân, do dân và vì dân phục vụ. Câu chuyện về thực hiện chính quyền vì dân, chính quyền thân thiện được đăng tải trong chương trình thời sự VTV1 lúc 19 giờ (ngày 28/3) mới đây đã thực sự để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Theo đó, cùng với nhiều địa phương trên cả nước, với mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ thân thiện, trong 3 năm qua mô hình chính quyền thân thiện, chính quyền phục vụ nhân dân ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Người dân hết sức phấn khởi, bởi không chỉ phục vụ người dân hết lòng bất kể trong hay ngoài giờ hành chính, chỉ cần người dân có nhu cầu, cán bộ phường sẽ lập tức hỗ trợ, giúp đỡ, phục vụ nhân dân một cách nhanh gọn, tận tụy, thấu đáo. Không chỉ vậy, ngày 10 và 20 hàng tháng, cán bộ các cấp còn thành lập đoàn công tác xuống cơ sở để nắm bắt nguyện vọng, tìm hiểu tâm tư của người dân. Tất cả những kiến nghị chính đáng của người dân đều được ghi nhận và giải quyết kịp thời. Phong cách trọng dân, có trách nhiệm với dân được đề cao trong mỗi việc làm của cán bộ các cấp.
Trong phóng sự trên, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, từ mục đích ban đầu cũng như mục đích cuối cùng của chương trình này đó là muốn hiện thực hóa quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và ở cấp cơ sở không chỉ lắng nghe, thấu hiểu mà còn kịp thời giải quyết nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống hằng ngày của người dân. Đến nay, mô hình này đã được Bắc Giang triển khai tại 100% các xã, phường thị trấn trên địa bàn.
Nếu như bất kỳ địa phương, cấp chính quyền nào cũng đều làm được như ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang thì tin chắc rằng niềm tin của người dân sẽ luôn được củng cố vững chắc, lâu bền. Được như thế, liệu những thông tin xấu, độc, chống phá khi đó có còn chỗ để tồn tại, vì có ai tin, ai theo và quan tâm tới. Bởi, “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng đó chính là niềm tin, sự đoàn kết đồng lòng tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Bên cạnh phải xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân truyền thống, cần thiết và đặc biệt quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng trên không gian mạng; tiếp tục hoàn chỉnh chính sách, pháp luật quản lý hoạt động cùng các bộ quy tắc ứng xử và bố trí các hạ tầng, dịch vụ, tài khoản trên không gian mạng.
Trên môi trường internet, trong đó có mạng xã hội, mỗi tài khoản của công dân Việt Nam, nhất là cán bộ, đảng viên đã, đang và sẽ là một phần trong thế trận quốc phòng trên không gian mạng. Mỗi tài khoản khi phát huy tác dụng tốt sẽ như là một chiến sĩ, một đơn vị chiến đấu. Sự bố trí các tài khoản, hệ thống kênh truyền thông trên không gian mạng tương đương với việc xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ trên không gian mạng. Mỗi bài viết tuyên truyền, đấu tranh phản bác như những viên đạn bắn vào kẻ thù, vào các thế lực thù địch.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đứng đắn vai trò của lòng dân và của việc “quy tụ lòng người” trên không gian mạng, để tập hợp lực lượng xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang thực hiện.
Tin khác
- Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
- Quân khu 7 tổ chức lễ xuất quân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia
- Đảng ủy – Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng hội thảo nghiệm thu công trình lịch sử truyền thống LLVT huyện Vĩnh Hưng giai đoạn 1978 – 2023
- Đảng ủy Quân sự huyện Vĩnh Hưng kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên năm 2024
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư ấp 4 xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng năm 2024
- Vững biên cương, ấm lòng dân
- Chi bộ Quân sự xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng kết nạp đảng viên mới
- Đảng uỷ, Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng chi trả phụ cấp trách nhiệm cho quân nhân dự bị
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự sinh hoạt Chi bộ cơ sở Đội K73
- Người đội trưởng gương mẫu, trách nhiệm