Tình quân dân trong khó khăn, hoạn nạn
Giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy
Những ngày này, hậu quả nặng nề do trận lốc xoáy gây ra tại 4 xã Hòa Phú, Vĩnh Công, Bình Quới, Phú Ngãi Trị thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã được khắc phục. Chị Lê Thị Kim Phượng ở xã Bình Quới chia sẻ: “Ban đầu chỉ có gió nhẹ, sau đó, mây đen kéo đến nên mọi người cứ ngỡ là trận mưa bình thường. Thế nhưng sau đó ít phút, gió xoáy rất mạnh cuộn lên kèm theo mưa xối xả. Gió lốc đi đến đâu làm tốc toàn bộ mái nhà, cây cối đổ rạp, nghiêng ngả đến đó. Toàn bộ vật dụng trong nhà tôi đều bị ướt. Khi đó, tôi vô cùng hoang mang nên thức trắng cả đêm”.
Ngay sau trận lốc, Ban CHQS huyện Châu Thành kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đến hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả theo phương châm "4 tại chỗ". Đối với tuyến đường có cây cối ngã đổ, các chiến sĩ dân quân nhanh chóng đốn hạ, di dời đến nơi an toàn để giải phóng giao thông.
Lực lượng dân quân thường trực Bộ CHQS tỉnh Long An giúp dân thu hoạch lúa.
Xã Bình Quới là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 238 ngôi nhà bị tốc mái. Để người dân sớm ổn định chỗ ở, các chiến sĩ dân quân đã huy động tối đa lực lượng giúp bà con di chuyển đồ đạc bị hư hại ra khỏi nhà, lợp lại mái tôn. Gia đình bà Bùi Thị Xứng ở ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới là hộ nghèo của địa phương, có căn nhà nhỏ lợp tôn bị lốc cuốn cách xa khoảng 50m. “Nghèo lại gặp cái eo”, bà Xứng vô cùng lo lắng. Không để bà phải chờ lâu, địa phương đã xuống động viên, hỗ trợ kinh phí, riêng lực lượng dân quân thu gom các mái tôn bị chìm dưới ao lên, lợp lại mái nhà cho bà.
Bà Xứng xúc động chia sẻ: “Tôi già yếu, không biết xoay xở thế nào, may được các chiến sĩ dân quân nhiệt tình giúp đỡ nên chỉ trong thời gian ngắn, căn nhà đã sửa chữa xong. Tôi mừng lắm”. Trung tá Võ Minh Quốc, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Châu Thành cho biết: “Gần 350 nhà dân, trường học, cơ sở thờ tự bị tốc mái, 19 trụ điện trung thế, hạ thế cùng nhiều cây cối bị ngã, đổ, nhưng chỉ sau hai ngày, LLVT huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục xong hậu quả, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường”.
Dầm nước giúp dân thu hoạch lúa
Trong những ngày qua, 14ha lúa chín của người dân xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa bị ngập sâu trong nước. Tại ấp T3, xã Thuận Bình, hơn 5ha lúa bị ngập đã được 30 cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa và chiến sĩ dân quân thường trực xã Thuận Bình thu hoạch. Nhiều chiến sĩ lần đầu tiên trở thành "người nông dân gặt lúa" nhưng từng đôi tay khéo léo vẫn cầm liềm quơ lúa nhanh thoăn thoắt. Trung úy Nguyễn Khánh Duy, Trung đội trưởng thuộc Đại đội Bộ binh huyện Thạnh Hóa cho biết: “Một số đồng chí chiến sĩ bị côn trùng cắn, trầy xước tay chân trong quá trình giúp dân nhưng vẫn không ngơi tay, cố gắng giúp đỡ bà con thu hoạch lúa với thời gian sớm nhất. Nhìn cảnh bà con khó khăn, cán bộ, chiến sĩ cũng cảm thấy đau xót như chính người thân mình gặp nạn”.
Tại ấp Trà Cú, xã Thuận Bình, 9ha lúa bị ngập sâu trong nước được 88 cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực của Bộ CHQS tỉnh và đoàn viên, thanh niên Công an huyện Thạnh Hóa đảm nhiệm thu hoạch. Do bị ngập úng nhiều ngày nên hạt lúa đã nảy mầm trong nước. Thời tiết khá oi bức nhưng lực lượng tại đây vẫn nhiệt huyết làm việc xuyên trưa. Chiến sĩ dân quân thường trực Võ Trường Giang, Đại đội Dân quân thường trực Bộ CHQS tỉnh Long An chia sẻ: “Tối hôm trước nhận nhiệm vụ thì 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã cơ động từ đơn vị đến vị trí để giúp dân. Tôi và đồng đội rất vui vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp đỡ người dân để tránh thiệt hại nặng nề”.
Trước khó khăn của người dân, thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh Long An cùng cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Thạnh Hóa trực tiếp xuống kiểm tra, động viên, thăm hỏi hộ dân bị thiệt hại và tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ dân quân tham gia thu hoạch lúa. Anh Lê Vi Tân ở ấp Trà Cú xúc động: “Chi phí gia đình tôi bỏ ra cho vụ mùa khoảng hơn 300 triệu đồng nên khi đê bị vỡ, toàn bộ lúa chìm trong nước. Tôi báo cáo tình hình với chính quyền địa phương. Rất nhanh chóng, các anh bộ đội, dân quân, công an đã đến giúp đỡ gia đình tôi gặt lúa, hạn chế được thiệt hại”.
Thượng tá Võ Văn Lâm, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Long An khẳng định: “Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Chính vì vậy, mỗi lần địa phương đề nghị giúp đỡ, Bộ CHQS tỉnh đều điều động lực lượng kịp thời giúp dân với phương châm “4 tại chỗ” và huy động thêm lực lượng, phương tiện dự trữ. Chúng tôi bằng mọi biện pháp giúp dân nhưng không làm phiền hà tới người dân, nhất là khâu hậu cần”.
Văn Cường
Tin khác
- Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về Đại hội Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội
- Quân khu 7 tổ chức lễ xuất quân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia
- Đảng ủy – Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng hội thảo nghiệm thu công trình lịch sử truyền thống LLVT huyện Vĩnh Hưng giai đoạn 1978 – 2023
- Đảng ủy Quân sự huyện Vĩnh Hưng kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên năm 2024
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự ngày hội Đại đoàn kết tại khu dân cư ấp 4 xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng năm 2024
- Vững biên cương, ấm lòng dân
- Chi bộ Quân sự xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng kết nạp đảng viên mới
- Đảng uỷ, Ban CHQS huyện Vĩnh Hưng chi trả phụ cấp trách nhiệm cho quân nhân dự bị
- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An dự sinh hoạt Chi bộ cơ sở Đội K73
- Người đội trưởng gương mẫu, trách nhiệm