Nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ người làm nghệ thuật

03/12/2021 11:15
Màu chữ Cỡ chữ
Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân cơ bản được đáp ứng đầy đủ. Do đó, mỗi quan hệ giữa văn, nghệ sĩ - công chúng càng thêm gắn bó. Đã có nhiều nghệ sĩ để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi sự cống hiến không biết mệt mỏi cả cuộc đời. Họ đã đem lại niềm vui, tinh thần lạc quan, yêu đời, truyền bá những giá trị văn hóa dân tộc vào cuộc sống của công chúng. Để đến khi họ ra đi mãi mãi thì công chúng vẫn luôn có những ấn tượng, kỷ niệm đẹp về người nghệ sĩ.

Tiếc là, ngày nay thay vì ứng xử khôn khéo để giữ hình ảnh đẹp, một bộ phận “người của công chúng” lại khiến bản thân trở nên xấu xí trong mắt khán giả khi liên tục hành xử và phát ngôn kém văn minh.

Vừa qua, trên trang Facebook của NSƯT Đức Hải (có tick xanh) xuất hiện nội dung: “Mỗi ngày em chọn một niềm vui. Niềm vui là hãy làm tất cả để có được cuộc sống bình yên. Không còn dịch. Không cười quá to. Không khóc quá lớn. Không huyễn hoặc bản thân. Không bị “dán băng dính” vào mồm để không được gào lên và né được các vụ kiện tụng đến nghìn tỷ. …, ngu xuẩn, ngông cuồng thì chỉ có đổ … vào mồm mà nuốt nha. … con …, … thấy chướng tai gai mắt lắm rồi con ạ. Người xưa đã nói “cáo chết ba năm quay đầu về núi”, mày không quay đầu được thì cút". Bên cạnh đó là phần comment (phản hồi) với nhiều ngôn từ khiếm nhã. Điều đáng nói, NSƯT Đức Hải còn là Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn. Khi phát biểu của NSƯT Đức Hải chưa hạ nhiệt, thì diễn viên hài Hiệp “gà” đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân một đoạn clip về nhân vật đình đám mạng xã hội, đi kèm là dòng trạng thái thiếu chuẩn mực. Ngoài ra, việc sử dụng uy tín của bản thân, một bộ phận giới văn nghệ sĩ đã làm truyền thông, quảng cáo một số sản phẩm thổi phồng công dụng. Qua đó, gây ra nhiều hệ lụy, thiệt hại cho người sử dụng khi đặt niềm tin vào những “con người của công chúng”.

Từ những thực trạng trên, chúng ta cần phải nhìn nhận lại về công tác bồi dưỡng, giáo dục ý thức, tư tưởng chính trị cho giới văn nghệ sĩ. Minh chứng dễ thấy là ở một số trường, một số đơn vị nghệ thuật, các buổi học nghị quyết, các đợt sinh hoạt chính trị... chỉ là hình thức. Điều đó, khiến người ta quan niệm phiến diện rằng chuyên môn mới là quyết định mà quên mất điều cốt lõi làm nên một nhân cách văn, nghệ sĩ đích thực thì phải có sự kết hợp của ý thức chính trị và tài năng nghiệp vụ. Quy luật của nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Có ý thức chính trị cao mới tạo tiền đề cho tình yêu, cho tâm huyết – vốn được coi là những điều sống còn của nghệ thuật. Cây nghệ thuật có tươi mát, có sum suê hoa trái là nhờ được trồng trên mảnh đất của tình yêu. Thiếu tình yêu, nghệ thuật nhất định khô héo. Giới văn, nghệ sĩ có yêu nghệ thuật hết lòng, có đam mê phục vụ công chúng hết mực thì tự nhiên sẽ được tình yêu của công chúng đáp lại. Tình yêu và tài năng như đôi mắt, như hai cánh tay trong một cơ thể nghệ thuật. Mất tình yêu tức là báo hiệu sự thui chột, què cụt một tài năng. Tình yêu không tự nhiên có mà do sự giáo dục, do rèn luyện bản lĩnh của một ý thức chính trị nhất định.

Các văn, nghệ sĩ làm giàu cho văn hóa dân tộc bằng tác phẩm nghệ thuật, mà tác phẩm ấy có được là nhờ ở sự kết tinh từ tài năng và nhân cách bản thân. Do vậy, công việc bồi dưỡng, giáo dục nhân cách văn hóa cho họ là cực kỳ quan trọng. Sinh thời Bác Hồ rất chú trọng vấn đề chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật và luôn nhắc nhở các văn, nghệ sĩ phải luôn cố gắng tăng cường bồi dưỡng, giáo dục, ý thức, tư tưởng chính trị thường xuyên. Có thể ví phẩm chất chính trị và tài năng như hai cánh của con chim, thiếu một cánh, chim không thể bay được, một cánh yếu một cánh khỏe chim cũng không thể bay xa. Văn học, nghệ thuật luôn là lĩnh vực sáng tạo tinh thần đặc biệt gắn chặt với tư tưởng, tâm hồn người nghệ sĩ.

Tâm lý học sáng tạo nghệ thuật khẳng định trong cấu trúc tư chất ở người nghệ sĩ. Tài năng nghệ thuật luôn là hiếm hoi, bởi không chỉ có cần cù mà phải có năng khiếu mới tạo tiền đề để hình thành nên một người nghệ sĩ. Hiếm cho nên quý. Nghệ sĩ luôn sống và sáng tạo bằng cái tôi, do vậy, rất cần tạo ra một môi trường để cái tôi đặc thù của người nghệ sĩ phát triển lành mạnh. Nhưng họ cũng là một công dân, dù có tự do trong cái tôi thì vẫn phải ý thức được trách nhiệm công dân của mình là sáng tạo theo tinh thần phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, chống lại cái ác, cái xấu, cái lỗi thời, cái phản động.

Bất kỳ một nghệ thuật chân chính nào, trước nay cũng đều bắt nguồn từ đời sống, phản ánh và phục vụ đời sống. Và như vậy mới có thể làm tròn sứ mệnh "soi đường cho quốc dân đi". Ngày nay, khi xã hội vận hành theo cơ chế thị trường thì văn học, nghệ thuật càng phải quán triệt đối tượng phục vụ là quần chúng. Vì xét đến cùng, một vở kịch, một cuốn tiểu thuyết... phải có người xem, người đọc, mà số lượng người xe, người đọc đông đảo nhất là quần chúng nhân dân. Người nghệ sĩ phải đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để khám phá, sáng tạo, hướng văn nghệ đi theo quỹ đạo đổi mới vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Do đó, bồi dưỡng, giáo dục nhân cách cho văn, nghệ sĩ cũng chính là cách chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa. Đây là cuộc đấu tranh không tiếng súng nhưng cực kỳ căng thẳng, gay gắt, bởi nó vô hình và diễn ra bên trong con người. Nguyên nhân của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", như Bác Hồ đã rất nhiều lần nhắc nhở ta phải cảnh giác, đó chính là "chủ nghĩa cá nhân". Mà trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật là lĩnh vực của cái tôi, của cá tính nên "chủ nghĩa cá nhân" rất có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Và có khi "chủ nghĩa cá nhân" được ngụy trang tinh vi dưới cái vỏ bọc "cá tính sáng tạo" nên rất khó phát hiện. Đó là tình trạng chạy theo hoặc thích thú với thị hiếu tầm thưòng của số ít cá nhân nghệ sĩ và một bộ phận công chúng, nên có những nghệ sĩ bỏ qua đặc trưng của văn học, nghệ thuật là cái đẹp mà đi vào mô tả những cái gần với bản năng. Đó là sự a dua, nói theo những ý kiến trái chiều, nói ngược với những quan điểm chính thống để được chú ý...

Những thực tế ấy cho chúng ta thấy công tác bồi dưỡng, giáo dục nhân cách văn, nghệ sĩ càng trở nên cần thiết, cấp bách, thường xuyên, liên tục. Cơ thể con người càng khỏe mạnh thì càng có sức đề kháng trước các yếu tố bất lợi của thiên nhiên, thời tiết. Chống xâm lăng văn hóa thì điều trước tiên là tăng cường cho cơ thể con người những phẩm chất cao đẹp về văn hóa, nhất là đối với những người mang tính chủ thể của văn hóa.

Đại tá Trần Văn Linh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Long An
Liên kết website