Bài học về buông lỏng cuộc đấu tranh trên các phương tiện truyền thông

28/01/2021 11:45
Màu chữ Cỡ chữ
Những thay đổi công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt đã dẫn tới xã hội hóa thông tin toàn cầu. Dòng thác thông tin đó cuốn hút mọi dân tộc, mọi quốc gia, tạo ra các luật chơi mới mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Lợi dụng vấn đề trên, các thế lực thù địch sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “bạo loạn lật đổ” sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng của nước nhà.

Ông Dwight D. Eisenhower , nguyên Tổng thống Mỹ từng đánh giá cao việc bỏ ra 1 USD cho văn hóa ngang với bỏ ra 5 USD cho quốc phòng; hay như ông Henry Kissinger – Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ từng nói “Uy lực của một đài phát thanh tự do ngang với 20 sư đoàn”; Nghiên cứu của các chuyên gia khẳng định: “Dùng máy tính để hủy bỏ cả một xã hội còn nhanh hơn dùng bom đạn; Ai nắm được tin tức, khống chế được mạng thì người đó sẽ có cả thế giới”. Ông Bill Clinton – nguyên Tổng thống Mỹ từng tuyên bố: “Từ nay về sau, nước khống chế thế giới không phải dựa vào quân sự mà dựa vào năng lực đi trước về tin tức.

Mùa xuân Arab đã làm nhiều chính phủ phải thay đổi nhưng điều mà người dân cần là thay đổi kinh tế-xã hội thì lại không có. Ảnh: VOX.

Theo đó, để lợi dụng thông tin tuyên truyền, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các nước phương Tây đã thành lập một bộ máy thông tin, tuyên truyền nhắm vào các nước xã hội chủ nghĩa. Ví dụ, đài RFE phát thanh bằng 6 thứ tiếng: Bungari, Tiệp Khắc, Xlôvakia, Hunggari, Ba Lan, Rumani, mỗi tuần phát thanh hơn 600 giờ. Riêng Đài tiếng nói Hoa Kỳ thì nhắm vào Liên Xô, dùng tiếng Nga và 11 thứ tiếng dân tộc khác ở Liên Xô để phát thanh 460 giờ một tuần. Nội dung tin tức hai đài tập trung “tuyên truyền và giới thiệu về đời sống và quan niệm giá trị phương tây, để xây dựng hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy tự do ngôn luận…”.

Và thực tế sự đột biến về chính trị ở Đông Âu cho thấy tác dụng của Đài tiếng nói Hoa Kỳ và Đài châu Á tự do càng trở nên nổi bật. Và họ thừa nhận Đài tiếng nói Hoa Kỳ là một công cụ có tác động lớn nhất trong việc gây ảnh hưởng tới tiến trình phát triển các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Phương pháp hai đài này sử dụng rất chú trọng phát thanh về tin tức, phân tích tin tức, bình luận, tổng hợp tin tức, phát thanh chuyên đề, phát thanh phỏng vấn… bằng nhiều hình thức hấp dẫn, thu hút người nghe. Trong đó, đại bộ phận tin tức nhằm vào các vấn đề quan trọng, những sự kiện trong nước và thế giới. Ngoài ra, những chyên đề về văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế, thương mại và phụ nữ đều được lồng ghép các thông tin ác ý, nhằm hướng người dân vào các vấn đề chúng chủ ý.

Ở Ba Lan, Đài châu Âu tự do thuê các phóng viên viết bài, đưa tin chống đối lại lãnh đạo hiện hành. Ngay từ khi được thành lập, đài này một mực công kích Ba Lan, ra sức tuyên truyền cuộc khủng hoảng và thất bại của chủ nghĩa xã hội. Họ đưa tin về giá cả hàng hóa ở Ba Lan tăng, đời sống nhân dân sa sút, nhen lên tinh thần bất mãn với chủ nghĩa xã hội và Đảng cộng sản, đưa nhiều tin về hoạt động của các tổ chức bí mật và những hoạt động của các phần tử chống Chính phủ.

Ở Liên Xô, trước sự chống phá của phương Tây trên phương tiện thông tin đại chúng thì chính bản thân Liên Xô đã không có động thái gì, thực sự buông lỏng trận địa này. Các báo chí, vô tuyến truyền hình và dư luận đại chúng ở Liên Xô đã không đấu tranh phản bác lại luận điệu chống phá của chúng, mà còn liên tục nêu mặt tối của xã hội, có tác dụng xấu tới đông đảo độc giả. Sự dẫn dắt dư luận theo phương hướng sai lầm đã mang lại một loạt hậu quả nghiêm trọng. Đông đảo người dân Liên Xô mất đi lòng tự hào dân tộc và lòng tự tin của bản thân. Mười tám triệu nhân viên quản lý Đảng và chính quyền  các cấp bị giới thông tin của Liên Xô liệt vào thế lực bảo thủ khiến những người này gặp phải sức ép dư luận, uy tín bị hạ thấp. Cùng lúc đó, dư luận lại ủng hộ cải cách. Một số báo chí “cấp tiến” lại tâng bốc các phần tử “dân tộc chủ nghĩa” - những người có dã tâm chống cộng, chống dân là những người tiên phong khiến tư tưởng của mọi người hỗn loạn.

Bên cạnh đó, báo chí đăng một số lượng lớn bài phủ nhận lịch sử Liên Xô. Từ đó, làm này sinh chủ nghĩa hư vô dân tộc từ phía người đọc. Nhân dân Liên Xô vững tin rằng, con đường mà họ đi từ cách mạng tháng Mười đến nay là đúng đắn. Nhưng báo chí lại tự do phê phán Stalin, thậm chí còn phê phán cả Lê Nin và phê phán nhiều nhà lãnh đạo khác, dẫn đến phủ nhận lịch sử Liên Xô khiến nhân dân mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội.

Chính sự buông lỏng trận địa tư tưởng trên phương tiện thông tin đại chúng là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Từ thực tế trên cho chúng ta bài học không bao giờ cũ là phải hành động quyết liệt bằng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực từ mặt trái của truyền thông đại chúng. Trong đó, Đảng cộng sản Việt Nam luôn coi trọng, đề cao vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng và đóng góp to lớn của báo chí, truyền thông. Các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng hoàn thiện pháp luật về xử lý hoạt động truyền thông, đặc biệt là luật an ninh mạng ra đời đã tạo hành lang pháp lý trong việc xử lý tin giả, thông tin xấu độc lan truyền trên không gian mạng.  Đồng thời, cấp ủy Đảng, các cơ quan chủ quản đối với hoạt động báo chí thường xuyên quan tâm, tăng cường công tác quản lý, phát huy tốt vai trò của báo chí, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội trong việc định hướng dư luận, động viên xã hội thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phản bác lại các quan điểm, tư tưởng sai trái thù địch. Điển hình như tại Đại hội XIII của Đảng, Đài Truyền hình Việt Nam được giao nhiệm vụ là cơ quan truyền thông duy nhất truyền hình trực tiếp, cung cấp hình ảnh kịp thời về sự kiện trọng đại của Đảng cho các cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài nước. Với sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ có bề dày kinh nghiệm và có hệ thống trang bị kỹ thuật cao, Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh một cách chân thực nhất về khí thế của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như niềm tin, kỳ vọng của nhân dân vào sự thành công của đại hội. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò gương mẫu, có dũng khí đấu tranh, có nhãn quan chính trị nhạy bén, tri thức khoa học sâu rộng để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc.

 

An Nam
Liên kết website