Chống giặc “nội xâm” để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ

11/04/2023 09:44
Màu chữ Cỡ chữ
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, tiêu cực.

Vụ việc những cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật vì liên quan đến tham nhũng đã khẳng định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta đã và đang được đẩy mạnh. Với phương châm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”. Những đại án "Vi phạm quy định về đấu thầu, đưa hối lộ, nhận hối lộ” tại Công ty Việt Á. "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại Công ty Tân Hoàng Minh, "Thao túng thị trường chứng khoán" tại Tập đoàn FLC... đã và đang được điều tra xử lý triệt để đã khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, “không có vùng cấm”, không cả nể, bao che, bất kể người đó là ai. Kết quả đó được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuần báo The Economist của Anh số ra ngày 26/01/2023 đã viết “Chiến dịch 'Đốt lò' đã góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế”, The Economist gọi đây là chiến dịch mang dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để đánh lạc hướng dư luận, bôi đen và phủ nhận những kết quả mà Đảng ta đạt được, các thế lực thù địch luôn cho rằng, công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là “cuộc chiến thanh trừng phe phái”, tham nhũng chính là “bản chất của chế độ cộng sản”, cách tốt nhất để không còn tham nhũng là thực hành đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập...Đài VOA ngày 26/01/2023 đã trắng trợn xuyên tạc “Việt Nam đang có bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp bất an, ngại hoạt động?”, tờ báo này đã vu khống “Cuộc chiến chống tham nhũng là đấu tranh nội bộ với nhau. Nó tạo ra bất ổn vì mọi người về mặt tâm lý mà nói là không tích cực. Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn”. Cũng với luận điệu xuyên tạc, trang web của Việt Tân, trong bài viết ngày 18/01/2023 với tựa đề “Miễn nhiệm chủ tịch nước, còn tổng bí thư, Bộ Chính trị và BCH TƯ đảng… thì sao?” - đã trắng trợn vu khống: “Nguyễn Phú Trọng vừa là người khởi xướng, vừa giữ vai trò tiên phong trong chỉnh đốn đảng đã hơn một thập niên. Trong hơn một thập niên chỉ đạo, sắp đặt mọi thứ, đặc biệt là nhân sự, kết quả chống tham nhũng là gì ngoài hậu quả tham nhũng càng ngày càng trầm trọng?”.  

Bên cạnh những trang web, những tờ báo của các nhóm người Việt cực đoan hải ngoại với những bài viết đầy ác ý, thì Đài Phát thanh Á Châu tự do (RFA) cũng nhảy vào bằng những thông tin lập lờ, ngụy tạo mà mục đích không ngoài việc tuyên truyền, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và nước ta. Trong bài viết “Đảng không minh bạch trong vụ cho thôi chức đối với ông Nguyễn Xuân Phúc” đã ngậm máu phun người “Cái sự giả dối, giả dối công khai, nó bộc lộ ngay ở thượng tầng, dân ta quen gọi là trung ương”. Trong khi trên thực tế ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn gửi Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nghỉ công tác và nghỉ hưu. Rồi báo “Người Việt”, báo “Tiếng dân” ở hải ngoại cũng nhan nhản những bài xuyên tạc công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta như: “Cuộc đảo chính cung đình ở Hà Nội”, Cuộc chiến cung đình được nâng lên tầng cao mới”. Các báo này cũng đã ngậm máu phun người qua các bài viết “ Vì sao ông Phúc mất chức?”, “Vụ thanh trừng có dáng dấp một cuộc đảo chính chính trị, trong đó phe đảng lật đổ phe chính phủ, phe công an triệt hạ các quan chức dân sự”…

Những luận điệu trên không mới, nhưng nó đã trở thành vũ khí tuyên truyền cũ rích của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội dùng để chống phá đất nước ta. Khi Đảng ta đưa ra xét xử vụ án tham nhũng, chúng bảo đó là các cuộc “thanh trừng nội bộ”. Khi các vụ án còn trong quá trình điều tra, chưa đi đến kết luận thì chúng cho rằng Đảng đang “bao che”, “giơ cao đánh khẽ”, khi Đảng xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm (kể cả cán bộ cao cấp) thì chúng kêu la “đảo chính chính trị”...Trong khi trên thực tế, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã thu được những kết quả hết sức quan trọng. Kết quả đó là minh chứng thuyết phục cho sự quyết tâm của Đảng trong việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, làm cho nội bộ Đảng được trong sạch, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vậy nên, những luận điệu cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng chỉ là những “cuộc chiến thanh trừng phe phái”, đấu đá lẫn nhau và tham nhũng là “lỗi của hệ thống cộng sản” là hoàn toàn sai trái, phải được đấu tranh loại bỏ. Những việc này không nằm ngoài mục đích bôi đen, gây chia rẽ đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó, kích động bạo loạn hòng thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Tài sản vô giá, thiêng liêng của Đảng là niềm tin của Nhân dân; niềm tin đó tăng lên theo mức độ liêm chính, trong sạch của bộ máy Đảng, hệ thống chính trị. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng chính là góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Trung Dũng

Liên kết website