Chủ động ngăn ngừa âm mưu “phi chính trị hóa Quân đội”

25/09/2022 01:16
Màu chữ Cỡ chữ
Các hoạt động “phi chính trị hóa quân đội” nhằm mục đích tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho quân đội ta không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây là âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

 

        

  Không có quân đội “trung lập về chính trị” hay “đứng ngoài chính trị”

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tổ chức, xây dựng, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện. Kể từ ngày thành lập, quân đội ta luôn mang trong mình bản chất của giai cấp công nhân. Bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta là cơ sở của chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu, quy định tính chất các mối quan hệ cơ bản của quân đội; là nguồn gốc mọi thắng lợi của quân đội ta trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN hiện nay.

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các học giả tư sản thường rêu rao luận điểm “phi chính trị hoá quân đội”, cho rằng quân đội phải đứng ngoài chính trị, quân đội là công cụ bạo lực của toàn xã hội, không mang bản chất giai cấp; trên mạng xã hội, các thế lực thù địch phát tán nhiều bài viết lập luận rằng quân đội “chỉ là công cụ của quốc gia, dân tộc”, vì thế “không cần phải đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”; “không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào”; “quân đội trung lập, quân đội đứng ngoài chính trị”… Thực chất những luận điểm này nhằm làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm giảm sức chiến đấu, từng bước làm thoái hoá về chính trị tư tưởng, phai nhạt bản chất cách mạng của quân đội.

Claudơvít - nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ đã nói rằng: “Chiến tranh là sự kế tục của chính trị”, trong khi quân đội ra đời để đáp ứng nhu cầu của chiến tranh. Luận điểm này được thừa nhận rộng rãi trong cả khoa học quân sự tư sản lẫn khoa học quân sự vô sản. Vì vậy, khi đã thừa nhận “chiến tranh là sự kế tục của chính trị” thì tất yếu phải thừa nhận: không bao giờ và không ở đâu có thứ quân đội “đứng ngoài chính trị”, hoặc “trung lập về chính trị”, bởi bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có mục tiêu chính trị và quân đội của các bên tham chiến đều được tổ chức, giáo dục để thực hiện mục tiêu chính trị đó của cuộc chiến tranh.

Lịch sử đã chứng kiến hàng nghìn vụ đảo chính trên thế giới, trong gần một thế kỷ qua riêng ở Thái Lan quân đội đã thực hiện vài chục lần đảo chính và âm mưu đảo chính. Trong khoảng hơn một thập kỷ (1990-2003), quân đội Mỹ và đồng minh đã tiến hành 4 cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại các nước độc lập có chủ quyền, bất chấp dư luận, luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc. Gần đây là việc quân đội Mỹ và NATO tiến hành các cuộc chiến tranh hoặc can thiệp quân sự ở Trung Đông - Bắc Phi nhằm lật đổ các chế độ “cứng đầu”. Vậy sao lại cho rằng, quân đội “trung lập về chính trị” hoặc “không can thiệp về chính trị”.

          Quân đội bao giờ cũng mang bản chất giai cấp

Lịch sử ra đời và phát triển của quân đội trên thế giới cho thấy, quân đội là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp, mang bản chất giai cấp sâu sắc. Quân đội mang bản chất của giai cấp tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng nó. V.I. Lênin đã khẳng định: Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị, đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, quân đội của bất kỳ quốc gia nào cũng là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước nào, giai cấp cầm quyền nào cũng phải nắm lấy để bảo vệ quyền lợi chính trị và kinh tế của mình.

Thực tiễn những năm 90 của thế kỷ XX, các thế lực thù địch đã từng thành công với âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hoá quân đội”. Đó là làm cho Quân đội Liên Xô và các nước Đông Âu - một lực lượng hùng mạnh, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động đã bị “phi chính trị hóa”, tự xóa bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, từ bỏ cơ chế Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, không còn là lực lượng chính trị, công cụ bạo lực sắc bén, tin cậy của Đảng Cộng sản và Nhà nước. Vì thế, khi đất nước Xô-viết và các nước Đông Âu xảy ra biến cố chính trị, quân đội đã đứng ngoài cuộc, chế độ XHCN sụp đổ.

Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời từ các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, được Đảng ta và Bác Hồ kính yêu sáng lập, rèn luyện để giành và giữ chính quyền cách mạng, nên quân đội ta là một lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Ngay từ ngày đầu thành lập, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được tổ chức theo mô hình có chi bộ Đảng lãnh đạo; gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện chiến đấu thắng lợi.

Có thể khẳng định, thủ đoạn “phi chính trị hóa quân đội” là một chiêu bài, một âm mưu hết sức nguy hiểm, thâm độc trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Xét về nội dung tuy không mới, nhưng về thủ đoạn, cách thức tiến hành thì có sự thay đổi, điều chỉnh so với trước. Chúng triệt để lợi dụng việc nước ta hội nhập, mở cửa để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa quân đội” bằng mọi hình thức hết sức tinh vi. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tích cực và chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của chúng; tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống./.

Sáu Lượng

Liên kết website