Ngăn chặn 'bệnh' thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh
Đừng vô cảm!
Gần đây, một người bạn cùng quê tâm sự với tôi về câu chuyện đóng góp ý kiến tại cơ quan. Bạn ấy kể rằng, vừa qua có phát hiện một số hạn chế, tồn tại, bất cập nhỏ tại nơi làm việc. Là người có trách nhiệm với công việc nên trong một cuộc họp, bạn ấy đã mạnh dạn nêu lên ý kiến góp ý, chỉ ra hạn chế và kiến nghị khắc phục. Tuy nhiên, ngày hôm sau đến làm việc, bạn ấy nhận được những lời bàn tán của đồng nghiệp là “dại dột”, “hơi đâu mà lo chuyện bao đồng”.
Thậm chí, có người nói với bạn ấy “im lặng là vàng”, chứ nói ra dễ mang rắc rối vào thân. Cũng có người khuyên bạn ấy việc ai người ấy làm, còn những vấn đề hạn chế thực tại ở cơ quan thì không nên quan tâm.
Qua lần đó, bạn ấy trở nên dè dặt với các ý kiến đóng góp tại cơ quan, nhất là đối với những vấn đề hạn chế. Thấy các cuộc họp, kiểm điểm mang tính “dĩ hòa vi quý” nên dần dần bạn ấy cũng không ý kiến, nói cách khác là không dám bày tỏ chính kiến.
Qua câu chuyện đóng góp ý kiến mà người bạn kể ở trên làm liên tưởng đến tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” vẫn tồn tại, xảy ra trong đời sống xã hội, hay đâu đó trong cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng.
Thời gian qua, Đảng ta cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức đối với cán bộ, đảng viên (CBĐV). Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ về việc nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công, đổ lỗi; dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm.
Gần đây nhất, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của CBĐV trong giai đoạn mới. Trong quy định này có nêu về sự trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Việc nhận diện hành vi, thái độ “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” trong CBĐV là việc phải làm và kịp thời chấn chỉnh. Bởi ở cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng mà có tình trạng đó phổ biến nhưng cứ tồn tại kéo dài thì rất nguy hiểm. Khi thấy sai sót nhỏ nhưng không nhắc nhở sẽ dễ xảy ra sai phạm lớn; khuyết điểm nhỏ nhưng thấy mà không phê bình, góp ý dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Mặt khác, cũng tiềm tàng những nguy cơ về sự ức chế dồn tụ dẫn đến bất mãn, suy nghĩ lệch lạc, dễ xảy ra tình trạng trước mặt thì dạ, vâng nhưng sau đó thì hục hặc, tiềm ẩn những xích mích giữa đồng chí, đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới nghi kỵ, xa rời nhau. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trong họp bàn, bình xét thì đều tốt, xuất sắc nhưng ra quán cà phê, về nhà thì lại nói xấu, công kích, chê bai lẫn nhau. Xảy ra tình trạng này sẽ làm cho cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng suy yếu, giảm sức chiến đấu và khiến người dân mất niềm tin.
Những người “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” thường lập lờ, nước đôi, nửa vời, không có lập trường rõ ràng và xu nịnh, “gió chiều nào theo chiều đó”, miễn sao có lợi cho mình. Điều này cũng triệt tiêu tinh thần góp ý thẳng thắn, thui chột động lực phấn đấu của những nhân tố tốt, tích cực và làm biến dạng, tác động tiêu cực đến môi trường làm việc của cơ quan, đơn vị.
Sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe những ý kiến trái chiều
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ CB "vừa hồng, vừa chuyên" để gánh vác những trọng trách của đất nước luôn được Đảng ta quan tâm thực hiện xuyên suốt và mạnh mẽ. CBĐV không thể hờ hững trước cái xấu để nó tồn tại, gây họa. Ngược lại, khi thấy cái đúng, cái đẹp, cái tốt, cái hay phải biết bảo vệ, khuyến khích, cổ vũ và nhân rộng. Trong công việc thì phải cống hiến hết mình, không thể dung túng cho sự hời hợt, qua loa, dối trá và đối phó, gây ảnh hưởng cho tập thể.
Để khuyến khích, phát huy tinh thần này cũng cần có những “liều thuốc” để trị bệnh sợ trách nhiệm và “vắc-xin” để bảo vệ những CB tốt. Gần đây, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ CB năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nội dung Nghị định này cũng nêu rõ: CB năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi thì có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Để đẩy lùi tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” tại cơ quan, đơn vị thì mỗi CBĐV phải luôn thẳng thắn đấu tranh với hành vi sai trái, tiêu cực. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải luôn mẫu mực, chí công vô tư, thấu tình, đạt lý, không xử lý công việc theo cảm tính “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Người “cầm cân nảy mực” phải là hạt nhân của sự đoàn kết tại cơ quan và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân viên; tuyệt đối tránh việc trù dập, ghét bỏ, bài trừ CB cấp dưới khi nhận được những ý kiến trái ngược, phản biện.
Trong quản lý, điều hành, người đứng đầu phải thể hiện được năng lực dẫn dắt, tầm nhìn bao quát, đánh giá đúng năng lực của mỗi người, từ đó có sự bố trí, phân công vị trí việc làm cho phù hợp. Trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm CB tại cơ quan, đơn vị phải bảo đảm quy định, không để xảy ra tình trạng bè phái, lợi ích nhóm và không bổ nhiệm những người "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh". Bên cạnh đó, tại cơ quan, đơn vị cần phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ.
Để đẩy lùi, ngăn chặn căn bệnh "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh", các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạo đức cho CBĐV. Các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá chuyên môn, bình xét thi đua, khen thưởng cần phải được thực hiện nghiêm túc, thực chất. Việc này phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng làm qua loa, đại khái, làm cho có lệ để báo cáo hoặc khen thưởng, xử phạt theo kiểu “nhìn mặt, đặt tên”. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát cũng kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng các cuộc họp, kiểm điểm để cố tình trù dập, làm mất uy tín của đồng chí, đồng nghiệp, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thực tiễn đã chứng minh, ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không thực hiện tốt công tác tự phê bình, phê bình, không phát huy tốt quy chế dân chủ, không muốn lắng nghe ý kiến phản biện thì CBĐV ở đó càng có thái độ "thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh"./.
An Nam
Tin khác
- Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của Việt Nam
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới