Pháp luật quy định về xử lý hành vi xuất, nhập cảnh trái phép hiện nay
Cụ thể vào đêm 29/12/2021, quá trình thực hiện nhiệm vụ mật phục đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xuất, nhập cảnh trái phép tại khu vực cột mốc 219 thuộc ấp Láng Đạo, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, Đồn Biên phòng Long Khốt phát hiện 07 đối tượng có hành vi xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Đơn vị tiến hành các biện pháp ngặn chặn, bắt giữ các đối tượng và đưa về Trạm Kiểm soát Biên phòng Long Khốt xử lý theo quy định.
Qua điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận gồm: Lê Đình Nghị, sinh năm 2003 và Cầm Bá Dũng, sinh năm 2003 cùng HKTT tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Quốc Cường, sinh năm 1998 và Nguyễn Văn Ngọ, sinh năm 2003 cùng KHTT tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Trinh Thúy Vi, sinh năm 2004, HKTT tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; Nguyễn Tứ Trụ, sinh năm 2004, HKTT tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định và Đinh Thị Ngoan, sinh năm 1991, HKTT tại xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.
Đồn Biên phòng Long Khốt đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền 04 triệu đồng về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định”; đồng thời đưa 07 đối tượng đi cách ly theo quy định.
07 đối tượng có hành vi xuất cảnh trái phép bị Đồn BP Long Khốt bắt giữ vào đêm 29/12/2021
Theo đó, hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi cố ý, trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, thể hiện ở hành vi đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép tùy theo mức độ, tính chất vi phạm có thể bị xử lý như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”. Cụ thể:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài;… (khoản 3 Điều 17 Nghị đinh 167).
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép;… (khoản 5 Điều 17 Nghị định 167).
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép (khoản 6 Điều 17 Nghị định 167).
Xử lý hình sự:
Tại Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép” như sau: Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” được quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Cũng theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt tù tối đa lên đến 15 năm.
Như vậy, hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải bị xử lý. Mức án tuyên phạt đối với đối tượng vi phạm sẽ được cơ quan chức năng đưa ra trên cơ sở căn cứ, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm, tăng, giảm tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước, một số cá nhân vì lợi ích kinh tế của bản thân đã xuất, nhập cảnh trái phép hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép rất cần lên án và xử lý nghiêm, nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng động rất cao, ảnh hưởng đến kết quả công tác phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị. Việc xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, quan hệ đối ngoại, giữ vững thành quả trong công tác phòng, chống dịch của nước ta hiện nay./.
Thanh Chương - Nhơn Đức
Tin khác
- Triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam bảo đảm đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả cao
- Pháp luật quy định về xử lý hành vi xuất, nhập cảnh trái phép hiện nay
- Cán bộ, chiến sĩ BĐBP được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo