Cần tôn trọng lịch sử

03/12/2021 11:45
Màu chữ Cỡ chữ
Uy tín, vị thế đất nước và mối quan hệ bầu bạn của Việt Nam với cộng đồng quốc tế như ngày hôm nay được tạo dựng là bởi những thắng lợi vĩ đại và huy hoàng của một dân tộc tiêu biểu cho lương tri nhân loại trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm, thống nhất đất nước; đồng thời được tạo dựng bởi những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đáng tự hào của công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thế nhưng vẫn có một số tổ chức, cá nhân bày tỏ các quan điểm lệch lạc, sai trái, họ đổ lỗi cho chúng ta, nạn nhân của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc, thực dân, đã gây ra "mấy chục năm binh đao, khói lửa", gây nên những cảnh chết chóc đau thương. Có  người còn đưa ra những đánh giá hết sức sai lệch về chiến tranh Việt Nam, cho rằng quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam là một sai lầm bởi "cuộc triệt thoái của Mỹ được trả bằng cái giá sinh mạng của nhiều triệu người vô tội" với những "đau đớn" như "nạn thuyền nhân" và "trại cải tạo"; rằng "sự kinh hoàng sau chiến tranh ở Việt Nam có thể sánh với "cánh đồng chết" ở Campuchia dưới bàn tay diệt chủng tàn bạo của Khơme Đỏ.

Những đánh giá trên đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều chính khách và các nhà sử học Mỹ, cũng như của nhân dân Việt Nam.

Thực tế lịch sử đã khẳng định, việc rút quân của Mỹ khỏi Việt Nam là việc làm bắt buộc và tất yếu do sự thất bại của Mỹ trong chính sách đưa quân xâm lược Việt Nam, chứ không phải là một "sai lầm lịch sử" mà từ đó dẫn đến những "đau đớn" cho nhiều triệu người. Tác giả người Mỹ Maicơn Máclia đã nhận xét trong cuốn sách "Việt Nam, cuộc chiến tranh mười nghìn ngày": "Từ tháng 11-1968, quân đội Mỹ còn nguyên vẹn về thể xác nhưng tinh thần dao động hết rồi". Cái "sai lầm lịch sử" ở đây, nếu có thể nói, thì chính là dã tâm xâm lược của đế quốc Mỹ đối với Việt Nam, về điều này, nhiều quan chức và học giả Mỹ đã thừa nhận.

Trên tờ The Independent của Anh ngày 24-8-2007, nhà báo tư sản nổi tiếng Rubert Conwell củng đã phải lên tiếng phản bác lại cách nhìn nhận sai lệch đó: "Hôm nay cách nhìn nhận đó đã sụp đổ". Rubert Conwell khẳng định: "Trên thực tế, không thể đỗ lỗi những thảm kịch này cho việc rút quân vội vàng. Quá trình quân Mỹ rút khỏi Việt Nam là một quá trình lâu dài, có trình tự bắt đầu từ năm 1968 và diễn ra trong sáu năm. Đối với vấn đề Pôn Pốt, các nhà sử học đều nhất trí rằng nếu không có chiến tranh ở Việt Nam và những phá hủy do bom Mỹ và âm mưu của CIA trên đất Campuchia, thì chắc chắn hầu như không có thảm kịch đó".

Sự phản bác của nhà báo Rubert Conwell nêu trên đã cho thấy phần nào sự thật, những thảm họa đối với "nhiều triệu người vô tội", "nạn thuyền nhân" và "trại cải tạo", "sự kinh hoàng" như "cánh đồng chết" ở Campuchia là do ai gây nên rồi, chẳng cần phải luận chứng nhiều hơn nữa ở đây.

Vừa qua, cộng đồng người dân Việt Nam lại dậy sóng bởi nội dung bộ phim Vương Bài của Trung Quốc xuyên tạc lịch sử liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam. Liên quan đến bộ phim này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước về việc tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ 2 nước. chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nìn nhận lịch sử một cách đúng đắn, khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.Đây không phải là lần đầu tiên nhà làm phim Trung Quốc có những hành vi xuyên tạc, cài cắm nội dung đề cao tư tưởng bành trướng lãnh thổ trong các tác phẩm họ sản xuất. Trước đó, dư luận phẫn nộ khi tình tiết về đường lưỡi bò, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam được trực tiếp đưa vào các phim như: Người tuyết bé nhỏ, Nhất sinh nhất thế, Lấy danh nghĩa người nhà, Một đời một kiếp, Em là thành trì doanh lũy…

Hãy tôn trọng sự thật lịch sử như đúng nó vốn có, hãy nhìn nhận lịch sử với con mắt khách quan.

Không thể phủ nhận, coi thường những hy sinh, mất mát to lớn của nhiều thế hệ người Việt Nam đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta ở thế kỷ XX. Làm sao mà một dân tộc quyết đứng lên bảo vệ cuộc sống và độc lập, tự do của mình lại bị coi là kẻ gây ra chiến tranh, gây ra chết chóc đau thương!

Bất kỳ người nào có cái nhìn khách quan, đều thấy những kẻ gây ra mấy chục năm "binh đao, khói lửa" đối với dân tộc Việt Nam. Trải qua suốt mấy chục năm chiến tranh, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm nên kỳ tích, khiến cả thế giới kính phục và gọi Việt Nam là "lương tri của thời đại". Nhân dân Việt Nam với ý chí "không có gì quý hơn độc lập, tự do" đã đứng lên chiến đấu chấp nhận gian khổ, hy sinh để bảo vệ quyền được sống trong tự do và độc lập.

Nhà báo người Anh Thomas Fowler đã có nhận xét, bình luận chí lý rằng, nguyện vọng thật sự của người Việt Nam không phải là muốn chiến tranh, mà "Họ muốn có đủ cơm ăn, họ không muôn bị bắn giết. Họ không muốn những người da trắng bảo cho họ biết họ muốn gì". Sự anh dũng chiến đấu hy sinh chống xâm lược để bảo vệ độc lập dân tộc và cuộc sống của mình đã làm cho nhân dân Việt Nam đứng vào hàng tiên phong của các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới ở thế kỷ XX.

Thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược ở thế kỷ XX là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Chính thắng lợi này mới tạo cơ sở cho quan hệ Việt Nam với các nước trên thế giới, cho quan hệ Việt - Mỹ phát triển ngày càng tốt đẹp như hiện nay. Nguyên Ngoại trưởng Mỹ H.Clintơn đã thực sự phấn khích khi được trở lại Việt Nam: "Tôi tự hào được quan sát những bước tiến ngoạn mục của quan hệ song phương 15 năm qua, kể từ khi chồng tôi, Tổng thống Bin Clinton thực hiện bình thường hóa quan hệ với Việt Nam" đồng thời đã chuyển thông điệp của Tổng thống Mỹ B.ôbama với mong muốn: "Tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia lên mức cao hơn". Theo Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 2-8-2010, Ngoại trưởng Mỹ H.Clintơn cho biết: "sự năng động, tiến bộ của Việt Nam ngày nay so với niềm vui của chúng tôi cách đây 10 năm thì hôm nay còn nhiều hơn".

Một dân tộc còn đầy rẫy trên mình các vết thương chiến tranh bước vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, tự hào về trang sử hào hùng oanh liệt của mình. Nhưng chúng ta gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, đượckhẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII là sự tiếp tục, kế thừa và phát huy chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại” và “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” mà các đại hội trước đã đề ra.

Đại tá Trần Văn Linh, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Long An
Liên kết website