Người dân đề phòng với các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản

14/06/2021 11:45
Màu chữ Cỡ chữ
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của người dân rất tinh vi, do vậy, mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Cảnh báo thủ đoạn “phát khẩu trang miễn phí” để chiếm đoạt tài sản.

Thời gian vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại một số địa phương trên cả nước xuất hiện các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để giả làm cán bộ phát miễn phí khẩu trang có tẩm thuốc mê, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng có từ 03 đến 05 người, chúng tìm hiểu và nghiên cứu trước những gia đình chỉ có người già, trẻ nhỏ để tiếp cận, giới thiệu là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến điều tra về tình hình sức khỏe. Các đối tượng này đeo thẻ như cán bộ công chức, đeo khẩu trang bịt kín hoặc mặc quần áo bảo hộ. Sau đó, chúng cho biết đang có chương trình phát khẩu trang miễn phí cho người dân, nhằm nâng cao khả năng phòng, chống dịch bệnh nhưng thực chất những chiếc khẩu trang này đã được tẩm thuốc mê. Khi nạn nhân đeo vào sẽ bị hôn mê, các đối tượng lục soát lấy tài sản có giá trị rồi nhanh chóng tẩu thoát.

 Trước tình hình trên, đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Trong trường hợp có người tự xưng là cán bộ nhà nước đến kiểm tra cần cẩn trọng xác minh, tuyệt đối không mở cửa cho người lạ vào nhà. Khi phát hiện những nghi vấn, bất thường, nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để phối hợp giải quyết.

Cảnh báo thủ đoạn lập Fanpage kêu gọi từ thiện chiếm đoạt tiền

Theo Thông báo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công An, thời gian gần đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an liên tiếp phát hiện một số đối tượng có hành vi tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm.

Theo đó, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là: Tạo lập các trang mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook), sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook, rồi xen cài số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án và người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản.

Đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện để lừa đảo trên mạng xã hội. Cần thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin./.

T.PHƯỢNG
Liên kết website