Nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng

23/09/2022 08:51
Màu chữ Cỡ chữ
Trong hơn 92 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng gian khổ, thử thách và hy sinh to lớn, Đảng ta ngày càng trưởng thành, uy tín và ảnh hưởng của Đảng ngày càng được nâng cao trong xã hội, trong niềm tự hào của cả dân tộc.

Tuy nhiên trên mạng xã hội xuất hiện một số luận điệu xuyên tạc cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử”. Chúng ra sức tuyên truyền, kích động, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”; một số bài viết với ngôn từ mị dân cho rằng: Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Thực chất của những luận điệu trên là nhằm phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động và bọn cơ hội chính trị đã thể hiện rõ, chúng không vì lợi ích của dân tộc Việt Nam, không đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, mà nhằm mục đích phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

             Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lựa chọn tất yếu của lịch sử

Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cả nước ta chìm trong lầm than nô lệ. Nhiều phong trào yêu nước đã xuất hiện nhưng lần lượt thất bại. Trong bối cảnh đó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị điều kiện tiền đề về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời của Đảng Cộng sản. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu của lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, mở ra một thời đại mới cho lịch sử đất nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến năm 1946, do bối cảnh tình hình chính trị lúc đó, tại Việt Nam ngoài Đảng Cộng sản đã xuất hiện nhiều đảng phái, trong đó nổi lên hai đảng là Việt Nam quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách). Tuy nhiên, về thực chất, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vẫn chỉ có Đảng Cộng sản còn hai đảng Việt Quốc và Việt Cách "theo đuôi Tưởng” không đứng về lợi ích dân tộc. Cho đến khi quân Tưởng rút khỏi Việt Nam, hai đảng này cũng tan rã, ra đi theo quân Tưởng, trên vũ đài chính trị chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự xuất hiện và rút lui của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc cho thấy, chỉ có Đảng Cộng sản là được nhân dân và lịch sử Việt Nam lựa chọn, còn những đảng phái không đứng về nhân dân đã bị chính lịch sử và nhân dân ta loại bỏ. Thời kỳ sau đó, bên cạnh Đảng Cộng sản cũng tồn tại hai đảng khác là Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sau đó tuyên bố tự giải tán. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã từng có tiền lệ về chế độ đa đảng nhưng chính lịch sử và nhân dân Việt Nam đã phủ nhận chế độ đó. Trong bối cảnh tình hình lịch sử của Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Đây là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng với một đường lối lãnh đạo hết sức đúng đắn đã đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Hiện nay, Việt Nam đang là một mô hình để nhiều nước trên thế giới học hỏi, gần đây là những thành công trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế vĩ mô và trong phòng chống đại dịch Covid19...

Thực chất của âm mưu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập

Vấn đề “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” thực chất là nội dung cốt lõi của hệ tư tưởng tư sản, được che đậy khá tinh vi về những lời lẽ mỹ miều, giả danh nhân đạo, nhân văn, tự do, dân chủ. Về mặt hình thức rất dễ làm cho người thiếu hiểu biết bị ngộ nhận. Đồng thời, quan điểm này cũng luôn được những kẻ bất mãn tiếp nhận và thêu dệt về cái hay, cái tiến bộ trong bức tranh mờ ảo, không có tính hiện thực. Về mặt nội dung, nó là một luận điệu xảo trá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị. Bởi, ngay ở các nước tư bản chủ nghĩa và nhiều nước chậm phát triển hiện nay đang thực hiện “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” thì cũng không hoàn toàn theo đúng nghĩa của nó. Mà bản chất xuyên suốt của họ vẫn là “nhất nguyên chính trị tư sản”, nên dù cho đảng này hay đảng khác nắm chính quyền thì cũng đều thực hiện một mục đích chính trị duy nhất là phục vụ cho giai cấp tư sản.

Còn quan điểm cho rằng, đa đảng thì có dân chủ và một đảng thì mất dân chủ thực ra là một trò "lập lờ đánh lận con đen" nhằm cổ vũ cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ không phải là đa đảng hay một đảng lãnh đạo mà quan trọng nhất đó là đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền. Hơn nữa, cần phân biệt rõ giữa vấn đề đa đảng, đa nguyên với đa đảng, nhất nguyên. Một số người, kể cả cán bộ, đảng viên mơ hồ, ảo tưởng vẫn thường lấy thể chế chính trị của Mỹ để ca ngợi cho tính ưu việt của mô hình đa nguyên, đa đảng. Nhưng, nếu tìm hiểu kỹ thấy rõ một điều rằng, ở Mỹ chỉ có hai đảng thay nhau lãnh đạo xã hội Mỹ, đó là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, về bản chất, đây đều là Đảng của giai cấp tư sản. Vậy thực chất nền chính trị Mỹ là đa đảng nhưng nhất nguyên chứ không phải đa đảng, đa nguyên như nhiều người nhầm tưởng. Còn sau cái khái niệm dân chủ, nhân quyền của phương Tây thường rêu rao là những cuộc chiến tranh đau thương mà nhiều nước hiện nay đang phải gánh chịu.

Như vậy, xét đến cùng, vấn đề “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” chỉ là quan điểm giả tạo “trang điểm” cho cái gọi là tự do, dân chủ, nhân quyền hão huyền của giai cấp bóc lột, còn luận điểm cho rằng: "Muốn Việt Nam thực sự dân chủ và phát triển, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" là luận điệu mị dân hòng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do vậy mỗi cán bộ, đảng viên và người dân hơn lúc nào hết cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch./.

Lê Đình Lượng

Liên kết website