Ngụy biện - hình thức chủ yếu trong các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch
Ngụy biện là hình thức chủ yếu của các thế lực nhằm chống phá, nếu như trước đây do các phương tiện truyền thông hạn chế, nên ảnh hưởng tác động không lớn, việc đấu tranh với các tư tưởng này không phức tạp. Hiện nay trên mặt trận tư tưởng, lý luận, kẻ thù đã triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ truyền thông, sự phát triển của các trang mạng xã hội như: Windows Live Spaces, Facebook, Friendster, hi5, Tagged, Flixster, Classmates, Bebo Bebo, Orkut, Netlog, Twitter, google plus, WhatsApp, Instagram, Yahoo plus… các trang mạng của Việt Nam: Yume.vn, tamtay.vn, zingme, Go.vn, v.v.. Trong đó các trang mạng xã hội lớn được nhiều người quan tâm và tham gia: facebook (hiện có khoảng 1,4 tỷ người tham gia). Đây là mảnh đất thuận lợi để các thế lực thù địch thỏa sức tuyên truyền các luận điệu chống phá chủ nghĩa xã hội, đả kích Đảng, Nhà nước. Cách thức chủ yếu tuyên truyền các luận điệu của các thế lực thù địch thông qua các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, qua các trang diễn đàn để từ đó chia sẻ phổ biến đến các tài khoản các cá nhân khác trên mạng xã hội.
Sự nguy hại thể hiện ở chỗ, tài khoản cá nhân của các đối tượng có thể mở và đăng nhập ở khắp mọi nơi trên thế giới, rất khó để kiểm soát và ngăn chặn với các tài khoản mà máy chủ ở nước ngoài. Một cá nhân có thể thiết lập hàng trăm các tài khoản khác nhau để từ đó chia sẻ thông tin tràn ngập trên các trang mạng, các diễn đàn xã hội. Sự cạnh tranh, chạy đua lượng người tham gia các trang mạng khiến các mạng xã hội liên tục cập nhật, bổ sung, phát triển các ứng dụng theo hướng gia tăng sự tương tác, kết nối, khiến cho hoạt động của một tài khoản cá nhân được phản ánh, chia sẻ ngay lập tức tới tất cả các thành viên trong nhóm, trong vòng kết nối, trong bảng tin ở phạm vi bạn bè hoặc cộng đồng mạng. Chính những yếu tố đó làm cho thông tin được truyền đi nhanh chóng tới nhiều người ở mọi vùng miền khác nhau với đa dạng về thành phần, tầng lớp, giới tính, nghề nghiệp, với dung lượng không giới hạn.
Có thể thấy cách thức tuyên truyền bôi đen chế độ của chúng vẫn là những chiêu trò cũ, nhưng tác động, ảnh hưởng vô cùng lớn đối với những người có nhận thức chưa đầy đủ, còn hạn chế. Đó là sử dụng lối ngụy biện trong hầu hết các bài viết, các bình luận (comment). Ngụy biện có thể hiểu là sự cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận nhằm mục đích đánh lạc hướng người nghe, người đọc, làm cho người khác nhầm tưởng cái sai là đúng, cái đúng là sai. Trong phép biện chứng duy vật, ngụy biện là sự cố tình đánh giá sai lệch mối liên hệ, biến các mối liên hệ cơ bản, bản chất thành mối liên hệ không cơ bản, không bản chất và ngược lại. Trong tiếng Hy Lạp, ngụy biện là “Πλάνη” được hiểu như là một cái lỗi - ở đây là lỗi trong thao tác tư duy. Còn trong tiếng Việt, Ngụy tức là “giả dối”, Biện hiểu theo nghĩa “tranh biện”, “biện giải” tức là quá trình giải thích, chứng minh, theo đó ngụy biện tức là sự biện luận giả dối. Thuật ngữ ngụy biện là sự phi logic trong lí luận hay suy luận. Nếu “ngộ biện” là sự vi phạm các quy luật, quy tắc logic một cách vô tình, vô ý, thì “ngụy biện” ở đây là sự cố tình vi phạm các quy luật, quy tắc logic của chủ thể.
Có nhiều hình thức ngụy biện. Ngụy biện từ yếu tố bên ngoài có các loại như: ngụy biện lợi dụng cảm tính đám đông, lợi dụng quyền lực. Ngụy biện từ yếu tố bên trong có 2 loại: 1. Ngụy biện của yếu tố chủ thể trong tranh luận như: sự ngụy biện bằng việc công kích cá nhân, dựa trên uy tín cá nhân, dựa trên tác phong chủ thể, kiểu “anh cũng vậy”; 2. Ngụy biện từ yếu tố khách thể trong tranh luận có ngụy biện nặc danh, luận cứ lạm dụng, thống kê lạm dụng, luận cứ thiên nhiên, lạm dụng điển tích làm luận cứ, dùng luận cứ chưa được chứng minh, cá trích chẻ đôi giá trị, do dùng phép tương tự sai, lợi dụng tính phong phú từ ngữ Việt, sử dụng mệnh đề rời rạc, nguyên nhân sai, dựa vào cái mới, bằng luận điệu ngược ngạo, lí lẽ quanh co, do qui nạp sai, do ám thị, loại ngụy biện từ ngữ, v.v.. Để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc bản chất của chế độ, kích động dân chúng, các thế lực không từ một hình thức ngụy biện nào miễn là có thể bôi xấu chế độ một cách nhiều nhất, giảm lòng tin của nhân dân một cách nhanh nhất.
Sử dụng ngụy biện luận cứ chưa được chứng minh, các thông tin được thuộc về lịch sử, nội bộ mà bản thân người dân ít được tiếp xúc, và có hiểu biết đầy đủ, nhưng thông tin mang tính chất mật, quan trọng để từ đó thêu dệt như thật qua đó bôi xấu lãnh tụ, bôi xấu Đảng, Nhà nước, chẳng hạn như vấn đề hội nghị Thành Đô chúng cho rằng ở hội nghị đó Đảng, Nhà nước ta thỏa thuận làm thiệt hại chủ quyền lãnh thổ.
Những thông tin về các đồng chí lãnh tụ, về mối quan hệ giữa các đồng chí cán bộ cấp cao, mà thông qua những hiện tượng bề ngoài, chúng ráp nối một cách logic giả tạo từ đó tạo ra hình ảnh méo mó, gây chia rẽ nội bộ. Giả tạo những bức thư của các cán bộ lão thành gửi Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương…, gần đây chúng ngang ngược dựa trên những sự kiện kinh tế, xã hội của đất nước chắp nối lại để tung ra bức thư dưới danh nghĩa của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi Bộ Chính trị, v.v. để hạ thấp, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Ở nội dung này, các thế lực thù địch lập ra nhiều trang mạng, nhóm, các tài khoản mạng xã hội, các blogger để tuyên truyền các thông tin về các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng, thủ đoạn sử dụng ở đây là dựa vào một số thông tin có thật, công khai, các hình ảnh riêng tư do những người thân, bạn bè, phóng viên báo chí, hoặc chính bản thân các đối tượng này tìm cách chụp trộm để từ đó thêm thắt các thông tin giả tạo, ăn khớp để tô vẽ lên sự tham nhũng, ăn chơi sa đọa, v.v. Thành lập các trang, nhóm như danlambao, quanlambao, Việt Tân, Tin Nóng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, (JB Nguyễn Hữu Vinh), Vương Quế Phương, Blog Điếu cày, Kẻ buôn gió,…
Sử dụng ngụy biện để nói xấu chế độ, phủ nhận thành quả cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sử dụng các hình ảnh chắp ghép giữa một bên là các cháu bé, người già vùng cao đói rách với các công trình văn hóa xã hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng hoặc cho sự phát triển kinh tế xã hội như tượng đài, bắn pháo hoa, kỷ niệm các ngày lễ.
Những hình thức ngụy biện của chúng mặc dù rất tinh vi, sử dụng cả công nghệ cao, kỹ thuật cấy, ghép ảnh, v.v nhưng rất không khó để phát hiện và nhìn nhận. Tuy nhiên đối với người dân do đặc điểm tính chất công việc, điều kiện tiếp cận thông tin, sự hiểu biết chuyên môn hẹp có những hạn chế nhất định nên rất dễ bị lôi kéo và tin tưởng theo các luận điệu đó dẫn đến thiếu niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Để đấu tranh với những trò ngụy biện đó, một mặt chúng ta phải tổ chức tốt các việc nắm bắt, ngăn chặn sự phát tán các tài khoản này, đồng thời tổ chức lực lượng nghiên cứu, nắm bắt và viết các bài phản bác, vạch trần những ý đồ thâm độc để nhân dân nhận rõ bộ mặt của chúng. Cùng với đó cần tăng cường giáo dục ý thức cảnh giác, phương pháp nhận thức, tiếp nhận những thông tin trên các trang mạng không chính thống.
Tin khác
- Nhìn lại 01 năm thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng bộ Khối
- Ngụy biện - hình thức chủ yếu trong các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch
- Độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc là giá trị to lớn nhất của cách mạng Việt Nam
- Chủ động phòng ngừa tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan
- Vạch trần luận điệu xuyên tạc phẩm chất trung thành của Quân đội nhân dân Việt Nam
- Nhận diện các kênh tác động "xâm lăng văn hóa", biện pháp phòng chống trong tình hình hiện nay
- Góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên hiện nay
- Lại bàn về vấn đề “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hiện nay
- Nhận diện sự chống phá của các thế lực thù địch trên Internet, mạng xã hội
- Thủ đoạn lợi dụng dân chủ chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch