Cảnh giác với “Cách mạng màu”

25/09/2024 04:07
Màu chữ Cỡ chữ
Thời gian qua, nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng chính trị, nội chiến, gây nên sự bất ổn trong nước. Đi tìm nguyên nhân, đó chính là di căn của căn bệnh mang tên “Cách mạng màu”.

Từ những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khái niệm “Cách mạng màu” xuất hiện. Nhiều quốc gia ở Đông Âu thuộc Liên Xô (cũ) hay ở các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đã rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và hậu quả của nó vẫn kéo dài đến tận bây giờ.
“Cách mạng màu” là thuật ngữ để chỉ các cuộc bạo loạn chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở quốc gia có chủ quyền, nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm, với phương thức bất bạo động, có sự kết hợp giữa những kẻ chủ mưu bên trong với các thế lực bên ngoài. Những kẻ chủ mưu giương ngọn cờ dân chủ, nhân quyền lôi kéo, kích động người dân tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành khiến đời sống xã hội bị tê liệt làm cho Chính phủ dần mất kiểm soát xã hội. Khi những cuộc biểu tình tác động xấu đến đời sống xã hội và sự điều hành của Chính phủ gặp khó khăn, sẽ xuất hiện các thế lực bên ngoài thông qua các tổ chức phi chính phủ, thậm chí Chính phủ của một quốc gia khác lên tiếng ủng hộ. Từ đây, xung đột giữa người dân và chính quyền ngày càng đẩy lên và rồi hậu quả của nó dẫn đến xung đột nội bộ ngày càng trầm trọng hơn.
Nếu như trước đây, “Cách mạng màu” nhắm đến các quốc gia theo chế độ XHCN thì nay diễn ra hết sức đa dạng. Đối tượng của “Cách mạng màu” còn ở các nước có chế độ đa nguyên, đa đảng với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, lập ra đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo do thế lực các nước bên ngoài định đoạt. Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến hàng loạt cuộc “Cách mạng màu” nổ ra ở các nước Trung Đông và Bắc Phi hay khu vực Đông Âu là Gruzia, Ukaraine… Gần đây các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Venezuela, Bangladesh và đặc biệt là Myanmar, từ biểu tình chống chính phủ sang xung đột vũ trang và sắc tộc.
Qua những cuộc biểu tình, bạo loạn, xung đột vũ trang theo hướng “Cách mạng màu” nói trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng không gian mạng là một trong những phương tiện quan trọng được các thế lực thù địch và đối tượng chống đối triệt để lợi dụng nhằm tung tin xuyên tạc, kêu gọi, tổ chức tập hợp người dân, ban đầu là theo các phong trào đường phố, tiến tới đi đến bạo loạn, tấn công lực lượng cảnh sát, quân đội, gây tê liệt, làm sụp đổ chính quyền. Để tiến hành “Cách mạng màu”, các nước tài trợ thường vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp cho người dân, nhưng thực chất là kéo đời sống người dân rơi vào cảnh ly tán, đói nghèo, chết chóc.
Việt Nam là một trong những nước bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”. Những biểu hiện của cái gọi là “Cách mạng màu” vì thế cũng đã manh nha xuất hiện ở nước ta. Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong nhắm đến đối tượng chống đối trong nước, những người có định kiến với Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… để tuyên truyền, lôi kéo tham gia vào các hội nhóm do chúng lập ra; thâm nhập vào các diễn đàn, mạng xã hội, nhất là lợi dụng giới trẻ để tập hợp lực lượng, tiến tới hình thành và công khai hóa tổ chức núp dưới danh nghĩa các tổ chức xã hội dân sự hay tổ chức phản biện xã hội làm lực lượng đối trọng để thực hiện “Cách mạng màu”. 
Không có liều thuốc nào hữu hiệu bằng việc tự đề kháng và ngăn ngừa dịch bệnh từ xa. Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân cần nâng cao cảnh giác, tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để góp phần vô hiệu hóa âm mưu thực hiện “Cách mạng màu” tại Việt Nam.

 

Liên kết website