Chiếc bọc lội thời chống Mỹ
Bộ đội vượt sông bằng bao gói
Cán bộ, chiến sĩ ta lúc ấy đi lại vô cùng khó khăn, số bị thương, bị bắt, bị giết ngày một nhiều. Để tránh địch phục kích trên bộ, các đồng chí ta men theo kênh rạch, lợi dụng dòng nước để đi về các thôn xóm, móc nối cơ sở, nắm dân, giữ vững phong trào. Nhưng di chuyển dưới nước lại gặp phải những khó khăn mới. Nhiều đồng chí đã dùng ni - lông bọc tài liệu, vũ khí, áo quần, vật dụng, làm thành một thứ phao bơi để di chuyển trên dòng nước hay vượt sông. Nhưng cách này cũng bộc lộ khá nhiều nhược điểm, không an toàn. Cái khó không bó cái khôn - từ thực tế, những người cán bộ phong trào đã nghĩ ra cách làm những túi ni - lông cỡ lớn, ba bề dán kín, khi di chuyển thì cho tài liệu, vật dụng vào đó, rồi thổi phồng lên, lấy dây thun buộc kỹ phía miệng, làm thành 1 thứ phao bơi, gọi nôm na là bọc lội.
Nhưng ở trong căn cứ hay ở hầm bí mật thì lấy đâu ra điện, ra máy ép để dán những túi ni - lông kiểu ấy? Đưa ra thành phố thuê làm thì dễ bị lộ. Đồng chí Minh Quân – một cán bộ vùng Hạ Cần Đước đã nghĩ ra cách dùng bàn ủi than nóng để dán ép bọc lội. Tuy nhiên, cách dán thủ công này có nhược điểm là đường ép không chắc, dễ bục. Hơn nữa, trong các lõm căn cứ, tìm ra bàn ủi không dễ. Cũng có vài cách cải tiến khác, song hiệu quả không mấy khả quan.
Nhân một sự tình cờ, đồng chí Hai Núi - cán bộ huyện Cần Đước - đã vô ý làm đổ chai thuốc chống muỗi của Mỹ vào tấm ni - lông đi mưa, khiến ni - lông dính bết vào nhau. Một ý nghĩ lóe lên trong óc anh: liệu có thể lấy thuốc chống muỗi làm keo dán bọc lội? Qua lần thử nghiệm đầu tiên, hai Núi đã đạt kết quả mỹ mãn không ngờ. Thế là chỉ sau thời gian ngắn, thành công này được phổ biến khắp các đơn vị trong huyện, rồi lan ra cả tỉnh. Một điều khá lý thú là trên chiến trường thời ấy, thuốc chống muỗi của Mỹ rất dồi dào do chúng vứt bừa bãi qua các cuộc hành quân. Từ đó, bọc lội ngày càng được cải tiến hoàn chỉnh thêm và đã phát huy công dụng rất lớn trên chiến trường sông nước. Có loại bọc lội nhỏ dùng cho cá nhân, có loại lớn (đôi khi kết hợp hai ba cái làm một) với bập dừa kẹp thêm 2 bên, giống như 1 thứ thuyền cao su để vận chuyển thương binh, tử sĩ, đạn dược, vũ khí, thuốc men, lương thực… Để chịu được áp lực lớn, anh em chế ra loại bọc lội 2 lớp ni - lông. Khi bị gai hay cọc nhọn bất ngờ đâm thủng, chỉ cần dùng khăn lau khô chỗ đó, lấy 1 miếng ni - lông nhỏ bôi thuốc chống muỗi vá vào như vá ruột xe đạp là có thể tiếp tục hành quân chiến đấu. Đánh trận xong hoặc sau khi công tác về, chỉ cần lau bọc lội, hong gió cho khô, rồi gấp lại, cất vào ba lô, túi xách là xong. Qua mùa khô, đồng đất vùng Hạ Cần Đước, Cần Giuộc do bị nhiễm mặn, nước ngọt nhiều khi quý hơn vàng. Những lít nước ngọt nặng tình, nặng nghĩa của nhân dân lại vượt qua rào thép gai ấp chiến lược, qua đồn giặc, được dồn vào trong bọc lội để chuyển về căn cứ.
Nếu chiếc nóp đan bằng cọng bàng đã từng gắn bó với anh em Vệ quốc đoàn, anh du kích ở bưng biền thời kháng Pháp thì chiếc bọc lội là phương tiện rất quý báu đối với người cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên chiến trường chằng chịt sông rạch ở Cần Đước nói riêng và Long An nói chung thời chống Mỹ. Những ai đã từng sống và chiến đấu ở vùng này đều hiểu rõ công dụng đa năng của thứ phương tiện thô sơ nhưng lợi hại này và hiểu rõ sự gắn bó thiết thân giữa nó với người cả khi sống và cả khi chết của một thời gian khổ nhất.
Tin khác
- Vận động phục kích đánh trận Bình Đức
- Vành đai Rạch Kiến – Vành đai diệt Mỹ
- Chiếc bọc lội thời chống Mỹ
- Hội thảo khoa học về Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Khẳng định giá trị lịch sử, đúc rút những bài học quý
- Xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương trong kháng chiến chống Pháp
- Bám dân trinh sát, nghiên cứu địch
- Súng trường hạ máy bay Mỹ
- Mật ngữ vo