Lòng biết ơn là vẻ đẹp nhân cách của con người
Đức tính tốt đẹp
Có người lính/ Mùa thu ấy/ Ra đi từ mái tranh nghèo/ Có người lính/ Mùa xuân ấy/ Ra đi từ đó không về... Những ca từ trong bài hát Màu hoa đỏ vang lên giữa những ngày tháng 7 – tháng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh làm chúng ta xúc động, bồi hồi.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hôm nay đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu, rộng. Thế nhưng, nỗi đau, ký ức của chiến tranh luôn được nhắc nhớ. Những địa điểm bị “bom cày, đạn xới” đang hiện hữu.
Những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên gò má của các bà, các mẹ, các dì, các bác khi nhớ về người chồng, người con, người em đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc làm chúng ta nao lòng.
Trên đất nước ta, đến địa phương nào cũng dễ dàng nhìn thấy nghĩa trang liệt sĩ. Từ nông thôn đến thành thị, miền xuôi đến miền ngược đều có những thương, bệnh binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng,...
Nỗi đau, mất mát của chiến tranh không ở đâu xa, nó còn hằn in trên thân thể nhiều người lính Cụ Hồ. Những vết thương, những bộ phận trên cơ thể không còn lành lặn do bom, đạn để lại gây ra nhiều di chứng, đau nhức dai dẳng, nhất là khi trái gió trở trời.
Tháng 7 về, gợi nhớ cho những người hôm nay về lịch sử của đất nước. Bên cạnh mất mát, đau thương, thế hệ hôm nay rất tự hào về những lớp người dũng cảm, hy sinh vì đất nước được độc lập, tự do. Sự hy sinh và đóng góp lớn lao của tiền nhân, luôn được thế hệ trẻ khắc ghi với “lòng biết ơn” sâu sắc.
Đoàn viên, thanh niên thắp nhang tri ân các anh hùng, liệt sĩ
Hàng năm, đến tháng 7, khắp nơi trên dải đất Việt Nam, “lòng biết ơn” trở thành đợt cao điểm để tổ chức các hoạt động, chương trình kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động về nguồn, viếng mộ liệt sĩ; huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa nhằm thăm hỏi, chăm lo cho thương, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, duy tu, sửa chữa các công trình tri ân, xây nhà tình nghĩa, tình thương,...
Không chỉ riêng với những con người có nhiều công lao với đất nước mà lòng biết ơn luôn được thể hiện với cha, mẹ, thầy, cô giáo, quê hương, làng xóm và với những người đã cưu mang, giúp đỡ mình.
Nói về lòng biết ơn, Việt Nam ta có câu: Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Hay dân tộc ta vẫn thường nói “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Thể hiện lòng biết ơn như thế nào? Không phải là trả ơn hay mang nặng giá trị vật chất mới gọi là biết ơn. Mà lòng biết ơn cũng là những lời nói, cử chỉ và hành động yêu thương, quan tâm,... Lòng biết ơn chính là khởi nguồn của những nền tảng, đức tính tốt đẹp khác của con người để đi đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Khi trong con người luôn có lòng biết ơn thì sẽ sống, ứng xử có trước có sau, có tình có nghĩa, có đạo đức và văn minh.
Lòng biết ơn không chỉ mang nghĩa hẹp giữa cá nhân với cá nhân hay biết ơn để trả ơn mà còn là sự cống hiến vì sự nghiệp chung của đất nước. Đặc biệt, với CBĐV thì lòng biết ơn là mẫu mực trong cuộc sống, là thái độ, tinh thần và trách nhiệm tận tụy khi làm việc, chăm lo cho dân, xây dựng cơ quan, đơn vị phát triển, tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Những CBĐV nắm giữ các chức vụ cao trong hệ thống chính trị luôn có lòng biết ơn sẽ soi đường để đi đúng hướng, tránh xa những cám dỗ tầm thường, là thành trì vững chãi chống lại những ích kỷ, nhỏ nhen. Lòng biết ơn sẽ là động lực thôi thúc để cống hiến, làm được nhiều việc vì lợi ích chung.
Một trái tim biết đồng cảm với khó khăn, hoạn nạn của người khác là một trái tim nhân hậu. Một con người biết chia sẻ với nỗi buồn, đau thương của người khác là một con người giàu tình cảm nhân văn. Nói rộng ra, khi con người, đặc biệt là CBĐV thể hiện tình cảm, bổn phận, đạo lý, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đất nước, chế độ cũng là biểu hiện cao cả của lòng biết ơn.
Đối nghịch với lòng biết ơn chính là sự vô ơn. Dân gian vẫn thường truyền tai nhau để lên án, mỉa mai lối sống vô ơn, “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”, “ăn cây táo rào cây sung”,... Sự vô ơn nếu tồn tại trong CBĐV thì càng nguy hiểm, đó không thể là người cán bộ mà người dân cần.
Thực tế, cũng có những con người lại “lấy oán báo ơn” khi có cách nhìn phiến diện rồi công kích, phản bội, chống phá lại Tổ quốc, tạo “diễn biến hòa bình”. Có người lại bám víu vào một số hạn chế, sai sót ở vụ việc cụ thể để đánh đồng tất cả đều xấu rồi lên án, chống phá Đảng, Nhà nước.
Sẽ càng buồn hơn nếu trong đó, có cả người được cơ quan, tổ chức, Đảng, Nhà nước cưu mang, tạo những điều kiện thuận lợi để làm việc và phát triển. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ CBĐV được Đảng ta nhận diện chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Nghị quyết nêu rõ “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Rèn luyện, xây đắp lòng biết ơn
Giáo dục lòng nhân ái, lòng biết ơn, sống có nghĩa có tình không còn xa lạ mà trở nên quen thuộc trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng hay nói phổ thông trong các yêu cầu, chỉ đạo là đạo đức công vụ. Phẩm giá ấy là yếu tố không thể thiếu khi tiến hành quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự.
Đảng ta luôn quan tâm thực hiện giáo dục và khơi gợi, lan tỏa lòng biết ơn trong đời sống bởi đây là một trong những giá trị gốc để dẫn dắt và định hướng trở thành một con người tốt, đạo đức. Một trong những bài học đầu tiên của trẻ em khi đến trường chính là chào hỏi, dạ, vâng và biết nói lời cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ.
Trong các cuộc làm việc, nói chuyện với CBĐV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thường đọc những câu Kiều, câu thơ chất chứa về nghĩa tình, lòng biết ơn.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức năm 2021, Tổng Bí thư đã đọc 2 bài thơ: Chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính và Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Lời 2 bài thơ nhẹ nhàng, sâu sắc ấy, CBĐV cảm thấy được truyền đến thông điệp hãy giữ lấy “nếp nhà”, giữ lấy “chân quê” và phải có lòng biết ơn. Đừng có thay lòng đổi dạ, đừng có quên ơn những vùng đất khó, kháng chiến và những con người đã cưu mang, giúp đỡ, chở che mình trong những lúc khó khăn, hoạn nạn,...
Trong bài thơ Việt Bắc có đoạn:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?
Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một tấm gương sáng ngời về thực hành lòng biết ơn. Trải qua nhiều công tác ở các cương vị khác nhau, cho tới khi giữ chức vụ lãnh đạo Đảng nhưng đều thể hiện rõ phẩm chất cao đẹp. Đó là người lãnh đạo tài ba, nhà lý luận xuất sắc, là tấm gương sáng, mẫu mực về sự tận tụy, hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Bên cạnh sự nghiệp cách mạng và đóng góp cho đất nước, những câu chuyện xúc động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng được các cơ quan thông tấn, báo chí và cả mạng xã hội chia sẻ, thông tin rất nhiều mấy ngày qua. Những ứng xử, sự quan tâm đối với quê hương, hàng xóm, thầy, cô giáo cũ, bạn bè đồng khóa, cán bộ cấp dưới,... đã thể hiện là người có lối sống rất giản dị, gần gũi, nhẹ nhàng, tinh tế, tràn đầy tình yêu thương, lòng biết ơn. Đó còn là một nhà văn hóa tiêu biểu, tấm gương sáng ngời những phẩm chất cao đẹp để noi theo học tập, đặc biệt là đối với CBĐV.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Có nhân cách tốt và tấm lòng biết ơn sẽ xoa dịu bớt những mất mát, đau đớn, tổn thương. Nhưng lòng biết ơn chưa hẳn tự nhiên sinh ra là có mà là sự rèn luyện của mỗi người và được giáo dục, trao truyền, nâng niu, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lòng biết ơn chính là bảo bối, phẩm chất tốt đẹp, góp phần làm nên giá trị đạo đức, văn hóa của mỗi con người.
Đối với CBĐV, ngoài học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì phải luôn có lòng biết ơn. Đó là một phẩm giá yêu cầu, điều kiện phải có và tiếp tục phải được giữ gìn, phát huy. Có vậy mới làm được nhiều việc tốt, có ích, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị phát triển, vững mạnh./.
An Nam
Tin khác
- Không thể phủ nhận thành tựu giáo dục, đào tạo của Việt Nam
- Phòng chống âm mưu xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam
- Vững vàng nhân tố chính trị tinh thần của đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội
- Để nghị quyết đi vào thực tiễn
- Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình
- Nhận diện việc lợi dụng cộng đồng mạng chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta
- Không để tồn tại “tư duy lối mòn”
- Tích cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"
- Gắn “xây” và “chống” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Nhận biết “chiến tranh tâm lý” thời kỳ mới