Để nghị quyết đi vào thực tiễn

26/10/2024 04:40
Màu chữ Cỡ chữ
Nghị quyết lãnh đạo là văn kiện chính trị trọng yếu và liên quan mật thiết đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, quyết định đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên tất cả các mặt công tác.

Thế nhưng, để nghị quyết thực sự đi vào thực tiễn thì chất lượng nghị quyết mới là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Bởi nghị quyết có hay, đánh giá có sát thì đó mới chỉ là chủ trương, giải pháp, điều quan trọng là biến chủ trương, giải pháp đó thành hành động, kết quả mang lại đến đâu, có thực sự đi vào thực tiễn và có hiệu quả thiết thực hay không. Mà điều này lại đặt trên vai đội ngũ cán bộ, đảng viên-những người trực tiếp vận hành, triển khai, thực hiện nghị quyết, trong đó vai trò của người cán bộ chủ chốt là đặc biệt quan trọng. 

Thực tế cho thấy, không ít nơi, dù nội dung nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ hằng tháng của các chi bộ đều thể hiện rõ cả phương pháp tổ chức, chương trình hành động và phân công cá nhân phụ trách trên từng phần việc, song hiệu quả, sức lan tỏa của nghị quyết trong thực tiễn có lúc, có nơi chưa cao, bởi có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, “đầu voi đuôi chuột”. Vậy nên sức "nóng" của nghị quyết cũng dần nguội đi theo thời gian bởi cách triển khai, kiểm tra kết quả thực hiện nghị quyết chưa thật sự khoa học, quyết liệt.

Thực trạng trên cho thấy, ban hành nghị quyết để rồi "thả trôi", muốn nổi, muốn chìm thế nào cũng được mà không có công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thường xuyên, liên tục thì coi như hỏng. Việc chỉ chú trọng vào đề ra phương hướng, đánh giá kết quả lãnh đạo mà thiếu đi mắt xích quan trọng là kiểm tra, đôn đốc cho thấy sự lãnh đạo nửa vời, trách nhiệm yếu kém của không ít cấp ủy, tổ chức đảng và người chủ trì. Lãnh đạo mà không kiểm tra, đánh giá thì coi như không lãnh đạo. Mà quá trình này đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng người, từng bộ phận. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng huấn thị: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Dân gian ta có câu: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Nói như vậy để thấy vị trí, vai trò của cán bộ, những người trực tiếp vận hành nghị quyết, trong đó vai trò của người cán bộ chủ trì, chủ chốt là đặc biệt quan trọng. 

Chính vì vậy, dẫu biết rằng công tác xây dựng nghị quyết luôn là khâu trọng tâm, là một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ các cấp, song khi đã có nghị quyết, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, bài bản của cả hệ thống trong quán triệt, triển khai thực hiện. Bởi vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì, nhất là người đứng đầu, bí thư cấp ủy phải thường xuyên quán triệt các nội dung, chỉ tiêu của nghị quyết, không chỉ cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch hành động mà phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chặt chẽ, liên tục. Quá trình này phải linh hoạt, không rập khuôn máy móc mà cần bám sát thực tiễn để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát thực. Có như vậy, nghị quyết mới có thể thực sự đi vào thực tiễn.

Liên kết website